Đối với thế hệ ngày nay, khởi nghiệp không phải là điều quá xa vời hay chỉ phù hợp với những người đã có nhiều kinh nghiệm. Xuất phát từ mong muốn kiếm thêm thu nhập, được làm việc mình yêu thích và thử sức mình ở lĩnh vực mới. Nhiều bạn trẻ đã bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ, đôi khi rất giản dị nhưng lại đầy tiềm năng.
Đến từ Bắc Ninh, Nguyễn Thúy Vy (sinh năm 2003) đã lựa chọn khởi nghiệp bằng chính món ăn gắn liền với tuổi thơ mình - bánh tẻ làng Chờ. Cô bạn chia sẻ: “Sau khi ra Hà Nội học mình thường đem cho các bạn cùng phòng thưởng thức và được mọi người khen ngon, cùng với đó là nhận thấy ở đây không có nhiều nơi bán. Nên đã quyết định kinh doanh món bánh này, vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa quảng bá được ẩm thực quê nhà”.
“Mình muốn nói với mọi người rằng Bắc Ninh ngoài quan họ ra thì có món bánh tẻ rất tuyệt vời” Thúy Vy tự hào.
Dù quy mô kinh doanh còn nhỏ, Thúy Vy vẫn hy vọng có thể góp phần lan tỏa món bánh truyền thống này đến nhiều bạn trẻ ở các vùng miền khác nhau. Để mọi người vừa có thể thưởng thức món ngon, vừa có thêm trải nghiệm với ẩm thực Bắc Ninh.
Nguyễn Trần Quang Huy, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng việc biến sở thích làm bánh thành công việc kinh doanh.
Huy mở một tiệm bánh ngọt tại Hà Nội, chuyên phục vụ các loại bánh như tiramisu, su kem, bông lan,…
Sẵn niềm yêu thích với bánh ngọt, nên Huy hiểu được cần những yếu tố gì để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng “để duy trì được lượng khách ổn định, ngoài việc tạo hình sao cho đẹp mắt, trông thật hấp dẫn thì cần phải chú trọng chất lượng nhất có thể để mang tới hương vị ngon và đảm bảo sức khỏe, cùng với đó hỗ trợ hết sức về vấn đề vận chuyển tới tay khách hàng”.
“Mình mong muốn có thêm thu nhập, có nhiều trải nghiệm từ công việc này, bên cạnh đó thì cũng muốn tìm tòi những sản phẩm bánh ngọt phù hợp cho tất cả khách hàng”, Quang Huy bày tỏ.
Có niềm yêu thích kinh doanh từ nhỏ Nguyễn Hải Yến (sinh viên năm 2, Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội) cho biết: “Ngày còn học cấp 2 mình tự làm phở cuốn đi bán. Lớn thêm chút thì mình tự may phụ kiện và nhập hàng mỹ phẩm về bán online. Không phải kinh doanh lớn gì nhưng cũng đã tự tích kiệm được một khoản riêng cho mình”.
Tới thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Hải Yến nắm bắt xu hướng thương mại điện tử phát triển và nhận thấy tiềm năng từ các sản phẩm túi, balo mua từ Taobao. Sau một thời gian trải nghiệm, Yến quyết định nhập hàng số lượng lớn và bắt đầu kinh doanh trên nền tảng Shopee.
“Ban đầu khá khó khăn, nhưng mình tin vào công việc mình làm và cố gắng mỗi ngày. Cho đến thời điểm hiện tại, những mẫu túi ban đầu chỉ có lượng bán ra 2 - 3 chiếc, đến nay đã lên đến hàng nghìn”, Hải Yến tâm sự.
Hải Yến tâm niệm rằng: “Đừng sợ hãi hay lo lắng quá nhiều, hãy cứ bắt đầu đi rồi nó sẽ trở thành hành trình của mình thôi”.
(Ảnh: NVCC)
Mỹ Lam - Diệu Yến