Gen Z làm sống lại lịch sử bằng thư viện số cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Gen Z làm sống lại lịch sử bằng thư viện số cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định
9 giờ trướcBài gốc
‘Gen Z’ phục dựng lịch sử và trao tặng thư viện số cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Với mong muốn mỗi bạn trẻ sẽ trở thành một người gìn giữ và phát huy di sản, một nhóm bạn trẻ "thế hệ Gen Z" đã thành lập dự án “Sao Đầu Mũ”. Với các bạn, lịch sử không chỉ là những trang sách cũ hay các sự kiện khô khan mà là một phần ký ức sống động gắn liền với mỗi cá nhân, cộng đồng và dân tộc. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ngày nay đang dần mất đi sự kết nối với quá khứ và những giá trị lịch sử quý báu của đất nước.
Đại diện nhóm “Sao Đầu Mũ” trao tặng thư viện điện tử cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Để hiện thực hóa ý tưởng, nhóm dự án đã xây dựng và trao tặng cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định một website kèm thư viện điện tử. Đây là một không gian số được tạo ra để lưu trữ, hệ thống hóa và lan tỏa di sản của lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại.
Bạn Nguyễn Hữu Trường, Quản lý quan hệ công chúng dự án "Sao Đầu Mũ" (giữa).
Website này là kho tư liệu quý giá, lưu giữ thông tin, hình ảnh và câu chuyện về các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Hơn 200 bức ảnh tư liệu đã được nhóm phục dựng bằng công nghệ số đã giúp tái hiện một cách sống động và rõ nét những khoảnh khắc lịch sử hào hùng.
Người xem có thể dùng tay di chuyển sang trái hoặc phải để xem được sự thay đổi trước và sau khi ảnh được phục dựng.
Bạn Nguyễn Hữu Trường, sinh viên trường Đại học FPT (Quản lý quan hệ công chúng dự án "Sao Đầu Mũ") chia sẻ: "Trong dự án bảo tàng thư viện số lần này, chúng em đã lựa chọn phục dựng lại những bức hình và những câu chuyện lịch sử với mong muốn đưa chúng đến gần gũi hơn với giới trẻ. Thay vì chỉ là những bức ảnh cũ, mờ, chúng em đã khôi phục lại chúng một cách có màu sắc, sặc sỡ hơn, thậm chí còn làm cho chúng chuyển động và lồng ghép vào các buổi phỏng vấn các cô chú, nhân chứng lịch sử”.
“Nguồn ảnh của chúng em đến từ hai nguồn chính là từ hình ảnh của các cô chú Biệt động Sài Gòn và thứ hai là từ Thông tấn xã Việt Nam. Khi nhận về, có những bức hình đã cũ, bị mờ hoặc nhòe, chúng em đã ứng dụng công nghệ để làm cho chúng trở nên rõ nét hơn, hiện rõ các chi tiết và khôi phục lại để những bức ảnh trở nên đẹp và sinh động hơn", Trường cho biết thêm.
Phương Nhi (trái) cùng bạn tham quan và trải nghiệm thư viện số.
Phương Nhi - một bạn trẻ Gen Z cảm thấy rất hạnh phúc và khâm phục nhóm đã dành công sức và tâm huyết để phục dựng lại những tư liệu, hình ảnh lịch sử. “Những việc làm này đã đưa lịch sử đến gần hơn với thế hệ chúng em, giúp lịch sử trở thành nền tảng và cội nguồn để thế hệ trẻ luôn ghi nhớ về quá khứ hào hùng của cha ông trong thời kỳ kháng chiến”, Phương Nhi chia sẻ.
Trải nghiệm thực tế thư viện số, Phương Nhi nhận thấy rằng, qua hình ảnh phục dựng đã giúp bạn tiếp cận lịch sử một cách dễ dàng hơn. “Qua những bức ảnh được số hóa, chúng em cảm thấy hứng thú hơn hẳn khi tìm hiểu. Các hình ảnh với nhiều thông tin chi tiết, đặc biệt là những hình ảnh động, đã giúp chúng em hiểu rõ hơn câu chuyện phía sau và cảm nhận được sự sống động, mới mẻ của lịch sử thay vì chỉ là những trang sách khô khan", Phương Nhi hào hứng chia sẻ.
Bạn Nguyễn Hoàng Long (thứ 2 từ trái sang) cùng nhóm bạn đến trải nghiệm thực tế thư viện điện tử.
Bạn Nguyễn Hoàng Long, sinh viên của trường Đại học FPT nhận định: “Đối với thư viện điện tử mà dự án đã xây dựng, em thấy giao diện rất dễ nhìn và thân thiện. Em thực sự mong muốn dự án có thể được lan tỏa rộng rãi hơn, để thư viện này được công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ biết đến nhiều hơn. Qua đó, mọi người có thể nhìn lại những hình ảnh lịch sử, sống lại những giai điệu tự hào mà chúng em đã cảm nhận được tại triển lãm. Em hy vọng dự án sẽ ngày càng phát triển và vươn xa để không chỉ người Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế cũng biết tới”.
“Em đặc biệt thích thú với việc các hình ảnh đen trắng được phục dựng lại thành video và hình ảnh có màu. Điều này mang lại một cảm giác rất chân thật. Khi nhìn một bức ảnh đen trắng, em không thể hình dung được màu sắc thực tế như thế nào, đôi khi nhiều chi tiết chỉ là một vùng đen mờ. Nhưng khi các bạn phục dựng lại thành một bức ảnh hoàn chỉnh có màu, em cảm thấy mình có được một cái nhìn chân thực và sống động hơn rất nhiều về lịch sử", Long chia sẻ thêm một cách tâm đắc.
Hình ảnh được nhóm phục dựng lại một cách chân thật và sinh động.
Chùm ảnh+clip: Lưu Niệm/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/gen-z-lam-song-lai-lich-su-bang-thu-vien-so-cho-bao-tang-biet-dong-sai-gon-gia-dinh-20250727155230954.htm