Gen Z tiêu nhiều nhưng ít trung thành với thương hiệu, doanh nghiệp cần làm gì?

Gen Z tiêu nhiều nhưng ít trung thành với thương hiệu, doanh nghiệp cần làm gì?
4 giờ trướcBài gốc
Gen Z là cách gọi những người có năm sinh trong khoảng từ 1997 đến 2012. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gen Z ngày càng năng động, sáng tạo và thông minh.
Theo YouNet ECI - công ty thành viên chuyên về phân tích dữ liệu thị trường thương mại điện tử (TMĐT), sinh ra trong kỷ nguyên số, gen Z chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ “cộng đồng tưởng tượng”. Đây là yếu tố định hình hình ảnh bản thân, các mối quan hệ và cách họ nhìn nhận thế giới.
Gen Z luôn đi đầu trong xu hướng thích nghi với thương mại điện tử và trở thành tâm điểm của mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, khi nhóm này trưởng thành và thu nhập tăng lên, những kỳ vọng mới cũng xuất hiện.
Gen Z mua sắm trực tuyến trung bình 2-3 lần mỗi tháng, với giá trị đơn hàng phổ biến trong khoảng 4 - 20 USD. Nhóm sản phẩm họ mua thường xuyên nhất chủ yếu phục vụ nhu cầu chăm sóc cá nhân và phong cách sống.
Dữ liệu từ YouNet ECI, thu thập từ 4 nền tảng TMĐT lớn – Vietnam E-commerce Intelligence 2025 cho thấy, chăm sóc cá nhân, làm đẹp và thời trang là 3 ngành hàng được gen Z ưu tiên khi mua sắm trực tuyến. Trong đó, chăm sóc cá nhân chiếm 41,8%, tương đương 3,5 tỷ USD; thời trang chiếm 34,6%, khoảng 2,9 tỷ USD và làm đẹp chiếm 23,6%, tương ứng 1,9 tỷ USD.
Với thu nhập ngày càng tăng và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đến năm 2028, giá trị giỏ hàng trực tuyến của các ngành hàng này có thể tăng gấp 2,3 lần, nếu các thương hiệu khai thác đúng xu hướng và đáp ứng kịp thời nhu cầu của thế hệ này.
YouNet ECI dự báo, nếu khai thác đúng cách, TMĐT Việt Nam có thể nâng tổng chi tiêu của gen Z từ 4,5 tỷ USD năm 2023 lên 20,3 tỷ USD vào năm 2028.
YouNet ECI cho rằng, để tối ưu hóa tăng trưởng, các thương hiệu cần liên tục đổi mới. Với ngành hàng chăm sóc cá nhân, thời trang và làm đẹp, đây là những lĩnh vực mang tính cá nhân cao, chịu ảnh hưởng mạnh bởi thị hiếu, cảm nhận và sở thích người tiêu dùng.
"Nếu khai thác đúng cách, TMĐT Việt Nam có thể nâng tổng chi tiêu của gen Z từ 4,5 tỷ USD năm 2023 lên 20,3 tỷ USD vào năm 2028", YouNet ECI dự báo.
Khi mua sắm cho bản thân, gen Z ưa chuộng trải nghiệm vừa giải trí vừa mua sắm (shoppertainment) liền mạch trên cùng một nền tảng. Họ bị ảnh hưởng mạnh bởi những người có sức ảnh hưởng trong nhóm, người nổi tiếng có phong cách sống tương đồng, đặc biệt trong các ngành hàng mang tính thẩm mỹ như thời trang và làm đẹp.
Theo đó, các thương hiệu tận dụng hình thức bán hàng qua livestream và những người có ảnh hưởng trong nhóm để tạo kết nối chân thực. Hợp tác với những người có sức ảnh hưởng lớn để tổ chức livestream hấp dẫn, cung cấp ưu đãi độc quyền, trò chơi tương tác và trải nghiệm mua sắm thú vị để thu hút gen Z.
Cộng tác với những người ảnh hưởng có tệp người theo dõi phù hợp với phong cách sống của gen Z, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang và làm đẹp. Tạo nội dung chân thực như đập hộp sản phẩm, review sản phẩm để xây dựng lòng tin và tăng chuyển đổi.
Chẳng hạn, Calem.Club tích hợp shoppertainment vào toàn bộ hành trình mua sắm, tận dụng thuật toán TikTok để tiếp cận người tiêu dùng gen Z, đồng thời sử dụng những người ảnh hưởng có tệp người theo dõi, livestreaming và ưu đãi độc quyền để vừa giải trí, vừa thúc đẩy khách hàng mua sắm.
Calem.Club luôn cập nhật xu hướng mới nhất—không chỉ trong thời trang mà còn cả âm nhạc, sự kiện và phong cách sống, giúp thương hiệu luôn gần gũi với gen Z.
Còn các thương hiệu Personal Care nội địa thành công trong việc chinh phục gen Z khi họ kết hợp giá trị truyền thống với chiến lược hợp tác cùng KOLs phù hợp với lối sống và sở thích của gen Z, thay vì chạy theo các ngôi sao đại chúng.
Trong khi đó, Cocoon là một điển hình trong việc kết nối với gen Z qua giá trị thương hiệu. Ứng dụng nguyên liệu truyền thống, giúp thương hiệu phản ánh giá trị bản địa và xây dựng niềm tin với gen Z. Ưu tiên micro-KOLs trong các cộng đồng ngách, những người có sức ảnh hưởng thực sự với gen Z và tạo ra sự kết nối chân thực.
Đặc biệt, khi mua sắm các sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, gen Z dễ bị ảnh hưởng bởi xu hướng trên mạng xã hội, dẫn đến mức độ trung thành với thương hiệu thấp. Họ thường xuyên thay đổi sở thích dựa trên các xu hướng mới nhất và các chương trình khuyến mãi.
Do đó, thương hiệu muốn gia tăng sức mua của gen Z cần phải liên tục cập nhật xu hướng, thực hiện flash sales và khuyến mãi độc quyền. Cung cấp giảm giá giới hạn thời gian và ưu đãi đặc biệt dành riêng cho các chiến dịch KOL. Cá nhân hóa và ra mắt sản phẩm theo xu hướng cũng cần được doanh nghiệp chú ý. Tạo trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa, tung ra phiên bản giới hạn theo từng xu hướng, giúp gen Z cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng độc quyền.
Ngoài ra, cần xây dựng chiến dịch gắn liền với văn hóa đại chúng và xu hướng toàn cầu, sử dụng thông điệp sáng tạo, bắt trend nhanh chóng.
Nguyệt Minh
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/canh-tranh/gen-z-tieu-nhieu-nhung-it-trung-thanh-voi-thuong-hieu-doanh-nghiep-can-lam-gi/20250225111240474