Ghen tuông không phải tình tiết giảm nhẹ khi xét xử tội danh giết người

Ghen tuông không phải tình tiết giảm nhẹ khi xét xử tội danh giết người
7 giờ trướcBài gốc
Bi kịch của ghen tuông mù quáng
Chỉ vì ghen tuông, nghi ngờ hay mâu thuẫn trong hôn nhân, nhiều người đã mất kiểm soát, dùng dao sát hại chính người bạn đời của mình. Đáng lo ngại, những vụ việc này ngày càng gia tăng, đến mức nhiều người xem như chuyện “bình thường”.
Vì ghen mà Huỳnh Minh Trung đã phóng hỏa gây ra vụ cháy nghiêm trọng khiến 3 người thiệt mạng. (Ảnh: CACC).
Ngày 11/5, Công an Tp.HCM đã khởi tố và bắt tạm giam Huỳnh Minh Trung (42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) để điều tra hành vi giết người.
Trung bị cáo buộc vì ghen tuông đã phóng hỏa căn nhà trọ tại phường Tăng Nhơn Phú A (TP. Thủ Đức), khiến 3 người tử vong, gồm bà N.T.T. (48 tuổi), ông N.V.H. (50 tuổi) và anh H.A.D. (23 tuổi).
Theo điều tra ban đầu, trưa 10/5, người dân sống trên đường 182 nghe tiếng nổ lớn phát ra từ căn nhà số 4/11, sau đó lửa bùng lên dữ dội khiến việc tiếp cận cứu người bất thành.
Cảnh sát PCCC đã điều động 30 cán bộ cùng nhiều phương tiện tới hiện trường và khống chế được ngọn lửa. Khi kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có tới 3 nạn nhân...
Trước đó, ngày 6/5 tại xã Tân Thành (huyện Bù Đốp, Bình Phước), ông Trần Văn Mua (46 tuổi) cũng vì ghen tuông đã tìm gặp ông N.T.A. (42 tuổi, cùng địa phương) để đối chất vì nghi có quan hệ với vợ mình.
Trong lúc xô xát, ông Mua dùng cây sắt đánh vào đầu ông A., khiến nạn nhân tử vong dù được đưa đi cấp cứu. Sau khi biết ông A. đã chết, ông Mua đến công an đầu thú.
Hiện trường vụ án mạng tại ấp Tân Lập, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp
Nhận định về những vụ án liên quan đến ghen tuông, mâu thuẫn tình cảm, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho biết, trong quá trình điều tra các vụ án mạng gần đây, nhiều vụ bắt nguồn từ mâu thuẫn tình cảm – chủ yếu giữa vợ chồng hoặc người yêu, mà nguyên nhân sâu xa là sự ghen tuông mù quáng. Nhiều án mạng xảy ra chỉ trong phút nóng giận, thiếu kiểm soát cảm xúc, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, sự xuống cấp về đạo đức, thiếu giáo dục pháp luật, kỹ năng sống và sự thờ ơ với các vấn đề tâm lý trong gia đình cũng là yếu tố khiến những xung đột nhỏ trở thành bi kịch lớn.
"Những vụ việc này không chỉ gây mất mát cho cả hai bên gia đình mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về khủng hoảng trong đời sống hôn nhân và sự đổ vỡ trong nền tảng đạo đức gia đình. Nguyên nhân không chỉ là ghen, mà là hệ quả của việc dồn nén cảm xúc, thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, lạm dụng rượu bia, ma túy và thiếu hỗ trợ tâm lý”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Mọi hành vi bạo lực đều phải trả giá trước pháp luật
Ghen tuông, nếu không được kiểm soát, có thể biến tình yêu thành thù hận. Xã hội hiện đại cần nhiều hơn nữa các chương trình tư vấn hôn nhân, hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng sống cho người trưởng thành, nhằm ngăn chặn những bi kịch tương tự tiếp diễn.
Một mối quan hệ lành mạnh không chỉ dựa vào tình cảm mà còn cần sự tôn trọng, chia sẻ và đối thoại.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học cho rằng, nhiều vụ án mạng vì ngoại tình, ghen tuông không chỉ xảy ra ở các cặp đôi mới yêu mà còn trong những gia đình chung sống hàng chục năm.
Nguyên nhân thường bắt nguồn từ xung đột âm ỉ, tích tụ lâu ngày và chỉ chờ một "giọt nước tràn ly" để bùng nổ. Trong trạng thái mất kiểm soát, người ta dễ đánh mất lý trí, không còn phân biệt được người thân với “kẻ thù”, và hành động chỉ để thỏa mãn cơn cuồng nộ, dẫn tới thương tích nặng nề, thậm chí tước đoạt mạng sống.
Bên cạnh đó, mạng xã hội với lượng lớn thông tin và clip bạo lực cũng đang góp phần đầu độc nhận thức, đặc biệt là giới trẻ – những người dễ bốc đồng và thiếu kỹ năng kiểm soát hành vi.
“Khi những nền tảng như tôn trọng, thấu hiểu và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn bị mất đi, hôn nhân có thể trở thành chiếc lồng ngột ngạt. Chỉ một mồi lửa nhỏ từ lòng ghen cũng có thể thiêu rụi cả một cuộc đời. Những cái chết vì ghen không bao giờ là điều bình thường – đó là bi kịch của những trái tim không được chữa lành, những mối quan hệ thiếu lối thoát", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư – ThS. Đặng Thị Thúy Huyền (Đoàn Luật sư Tp.HCM) nhận định, tội phạm do ghen tuông thường bộc phát, nhưng là hệ quả của mâu thuẫn dồn nén. Luật sư Huyền cho rằng, gia đình, chính quyền, tổ chức đoàn thể cần vào cuộc từ sớm, giúp người trong cuộc giải tỏa áp lực, tránh bạo lực.
Cũng theo luật sư Huyền, giáo dục pháp luật cần đi đôi với thực thi pháp luật nghiêm minh. Khi con người có ý thức về hậu quả pháp lý, họ sẽ chọn cách hành xử đúng đắn hơn. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể cần đổi mới cách hoạt động để có thể tiếp nhận và can thiệp sớm với những xung đột tưởng chừng là “chuyện riêng trong nhà”.
Nhiều người sau khi gây án mới bừng tỉnh, hối hận nhưng đã quá muộn. Phòng ngừa những vụ việc này rất khó bởi tính bộc phát. Vì vậy, điều quan trọng nhất là mỗi cá nhân cần rèn luyện khả năng kiềm chế cảm xúc, học cách ứng xử đúng mực để không rơi vào vòng xoáy của bi kịch.
Nguyễn Văn Khánh
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ghen-tuong-khong-phai-tinh-tiet-giam-nhe-khi-xet-xu-toi-danh-giet-nguoi-204250511115314277.htm