Ghi nhận từ cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính

Ghi nhận từ cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính
11 giờ trướcBài gốc
Cán bộ, công chức Sở Công Thương tiếp nhận và thực hiện quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Những năm gần đây, số lượng khách hàng và hồ sơ thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước tỉnh ngày càng nhiều. Mặc dù đơn vị đã tích cực rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, tăng hiệu suất làm việc của cán bộ, công chức, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thủ tục chi, có hồ sơ bị từ chối nhiều lần do đơn vị giao dịch ghi nội dung thanh toán không đúng với mã nội dung kinh tế theo quy định của Mục lục ngân sách hiện hành; có đơn vị hồ sơ pháp lý và hồ sơ thanh toán không đủ điều kiện thanh toán... Để khắc phục những hạn chế đó, 2 chuyên viên Hoàng Ngọc Trang và Nguyễn Phương Uyên (Kho bạc Nhà nước tỉnh) đã có sáng kiến “Ứng dụng công nghệ trợ lý ảo trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước”. Nhóm tác giả đề xuất trang bị hệ thống phần mềm trợ lý ảo (Chatbot) giúp khách hàng hỏi đáp chính sách, chế độ, hồ sơ thủ tục, quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giảm thiểu thời gian gián đoạn công việc. Với Kho bạc Nhà nước tỉnh, việc sử dụng trợ lý ảo trong công tác hỗ trợ dịch vụ công (DVC) trực tuyến sẽ giúp tối ưu nguồn lực, hạn chế việc hồ sơ giao dịch bị trả lại nhiều lần, giảm áp lực cho cán bộ kiểm soát chi; nâng cao hiệu quả trong công tác hỗ trợ DVC.
Tại Sở Công Thương, xuất phát từ khó khăn, hạn chế trong việc tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong điều hành kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, nhóm tác giả là cán bộ, chuyên viên Phòng Quản lý thương mại và Phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp đã có ý tưởng “Xây dựng sổ tay online về ứng dụng TMĐT trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh”. Nội dung sổ tay gồm: Các quy định của pháp luật về TMĐT; Hướng dẫn xây dựng kênh TMĐT; Hướng dẫn vận hành website, sàn TMĐT tối ưu; Hướng dẫn tiếp cận khách hàng trên các nền tảng trực tuyến hiệu quả… Ý tưởng này có thể giúp cơ quan quản lý nhà nước giảm chi phí tổ chức các hội nghị trực tiếp tuyên truyền chính sách, pháp luật, tập huấn kỹ năng ứng dụng TMĐT; người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi dự hội nghị trực tiếp mà vẫn tiếp cận pháp luật đầy đủ, nhanh chóng, dễ dàng; thông qua ứng dụng TMĐT có thể mở rộng thị trường, tệp khách hàng và gia tăng doanh số. Đặc biệt, ý tưởng này có thể chia sẻ sổ tay để phục vụ tuyên truyền, tập huấn của nhiều cơ quan quản lý nhà nước.
Trên lĩnh vực CCHC công, từ thực tế công tác tại Bộ phận một cửa UBND xã Cương Chính (Tiên Lữ), khi tiếp xúc và hướng dẫn giải quyết các TTHC cho người dân, tổ chức, anh Trần Văn Trung, công chức Văn phòng - Thống kê của UBND xã Cương Chính có ý tưởng, giải pháp “Nâng cao tỉ lệ người dân, tổ chức tự thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến”. Theo đó, anh Trần Văn Trung đề xuất giúp người dân, tổ chức có thể tự nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đến các cơ quan Nhà nước bằng cách trang bị cho bộ phận “Một cửa” của UBND xã 1 bộ máy tính riêng có kết nối mạng Internet, có máy scan, có cài video hướng dẫn cụ thể các bước tạo tài khoản trên cổng DVC quốc gia, video kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và video hướng dẫn các bước nộp hồ sơ trực tuyến; bố trí công chức hướng dẫn để người dân, tổ chức có thể tự nộp hồ sơ trực tuyến, từ đó nâng dần tỉ lệ người dân, tổ chức biết nộp hồ sơ trực tuyến, tránh tâm lý ỷ lại vào công chức thực thi công vụ.
Sau 2 tháng triển khai, Ban tổ chức cuộc thi tiếp nhận 104 bài dự thi của 24 sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và 10 UBND cấp huyện, trong đó, 25 bài thi của tập thể và 79 bài thi của cá nhân. Qua thẩm định sơ loại, có 103 bài đủ điều kiện tham gia cuộc thi. Trong số 103 bài dự thi, lĩnh vực xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số có 38 bài; lĩnh vực cải cách TTHC có 29 bài; lĩnh vực cải cách chế độ công vụ có 13 bài; lĩnh vực cải cách thể chế 5 bài… Có 9 bài dự thi đạt từ 65 điểm trở lên, đủ điều kiện xét trao giải, tiêu biểu như: sáng kiến “Ứng dụng công nghệ trợ lý ảo trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước” của nhóm tác giả Phòng Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước tỉnh); “Quét mã QR code trên ứng dụng Zalo để khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC” của nhóm tác giả Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND tỉnh); “Xây dựng sổ tay online về ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh” của nhóm tác giả thuộc Sở Công Thương...
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai tổ chức Cuộc thi cho thấy: việc tham gia cuộc thi của người dân, tổ chức, doanh nghiệp còn hạn chế; nhiều bài thi nội dung được viết theo hướng tìm hiểu, lý luận chung chung về các nhiệm vụ CCHC; bài thi chưa viết theo bố cục, đề cương của kế hoạch, khó áp dụng vào thực tế với quy mô lớn.
Hy vọng, trong những năm tới, Cuộc thi sẽ thu hút được nhiều ý tưởng sáng tạo, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện CCHC, góp phần giúp tỉnh có được giải pháp tối ưu nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo.
Lệ Thu
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/ghi-nhan-tu-cuoc-thi-tim-kiem-y-tuong-giai-phap-cai-cach-hanh-chinh-3176024.html