Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết Cục đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và TP HCM thực hiện các nội dung trong công văn trước đó, liên quan đến đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt chất lượng, trong đó có lô kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body - hộp 1 tuýp 100 gram.
Sản phẩm kem chống nắng vừa bị yêu cầu thu hồi
Cục yêu cầu kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn, quảng cáo, đồng thời giám sát việc thu hồi lô sản phẩm không đạt chất lượng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group và Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai.
Các cơ quan địa phương cần tập trung làm rõ việc công bố, sản xuất, kiểm nghiệm chỉ số SPF và ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm chống nắng vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm, cần xử lý, xử phạt theo quy định hiện hành và chuyển hồ sơ cho cơ quan bảo vệ pháp luật nếu có dấu hiệu hình sự hoặc hành vi sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả.
Trước đó, ngày 16-5, Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành và thu hồi kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body do Công ty VB Group đưa ra thị trường, EBC Group sản xuất.
Theo cơ quan quản lý, Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm ghi công dụng là "bảo vệ da chống nắng, dưỡng da và làm trắng da toàn thân", nhưng không đề cập chỉ số chống nắng (SPF). Tuy nhiên, mẫu nhãn sản phẩm lưu hành trên thị trường lại ghi SPF 50.
Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM thực hiện cho thấy, chỉ số SPF thực tế chỉ đạt 2,4, thấp hơn rất nhiều so với thông tin công bố trên nhãn.
Ngay sau khi thông tin kiểm nghiệm chỉ số SPF được công bố, nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc, đặt nghi vấn liệu sản phẩm có bị xem là hàng giả hoặc có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng hay không, khi ghi SPF 50 nhưng thực tế chỉ đạt 2,4 - thấp hơn gần 20 lần.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tạ Mạnh Hùng, cho biết Cục đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - đơn vị tiếp nhận hồ sơ và cấp phiếu công bố sản phẩm - tiếp tục làm rõ các vi phạm liên quan.
Sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body được Đoàn Di Băng quảng cáo
"Phiếu công bố sản phẩm không ghi chỉ số chống nắng, nhưng nhãn dán lại thể hiện thông tin này, nên Cục quyết định thu hồi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giao Sở Y tế tiếp tục làm rõ"- ông Hùng nói.
Theo quy định của Bộ Y tế, nhãn mỹ phẩm phải phản ánh đúng nội dung đã công bố. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phiếu công bố không ghi chỉ số chống nắng SPF 50, nhưng nhãn sản phẩm lại thể hiện thông tin này, dẫn đến sai lệch nhãn so với nội dung đăng ký.
Hành vi này vi phạm quy định về ghi nhãn mỹ phẩm và có thể bị xử phạt hành chính từ 30 đến 40 triệu đồng với cá nhân, từ 60 đến 80 triệu đồng với tổ chức. Mức phạt có thể tăng nếu có tình tiết tăng nặng.
Cũng liên quan đến sản phẩm chống nắng, ngày 20-5, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành rà soát toàn bộ phiếu công bố sản phẩm chống nắng, thu hồi công bố không hợp lệ; kiểm tra việc ghi nhãn, quảng cáo và lấy mẫu kiểm nghiệm để xác định chỉ số SPF.
N.Dung