Giá bán nhà ở xã hội vẫn cao, Bộ Xây dựng nêu nguyên nhân

Giá bán nhà ở xã hội vẫn cao, Bộ Xây dựng nêu nguyên nhân
7 phút trướcBài gốc
Tại tọa đàm Gỡ nút thắt, ngăn trục lợi chính sách nhà ở xã hội vừa diễn ra, ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, quy định của pháp luật hiện nay, giá bán ở xã hội cho phép là chủ đầu tư tính toán đầy đủ các cơ cấu hình thành giá bán. Đối với mỗi một dự án khác nhau thì giá bán sẽ khác nhau.
Theo ông Hưng, chi phí của loại hình nhà ở xã hội có đầy đủ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật sẽ cao hơn so với việc chỉ xây dựng một khu nhà chung cư. Bên cạnh đó, mặc dù tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội được nhà nước miễn nhưng trong trường hợp phải giải phóng mặt bằng, phải làm công tác để đền bù, tái định cư những chi phí đó nếu Nhà nước không hỗ trợ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng phải tính vào trong giá thành. Như thế giá sẽ cao hơn so với các trường hợp đã có quỹ đất sạch sẵn.
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà lý giải tình trạng giá bán nhà ở xã hội vẫn cao.
Trong trường hợp nếu địa phương bố trí được quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà nước đầu tư, đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kết nối với diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội thì giá bán của nhà chung cư, nhà ở xã hội sẽ giảm hơn so với các trường hợp mà chủ đầu tư phải tự bỏ tiền ra.
"Thực tế cũng sẽ có những trường hợp, việc xác định giá bán nhà ở xã hội chưa đúng với quy định. Ví dụ như trường hợp có thể phân bổ tiền lợi nhuận của phần nhà ở thương mại và nhà ở xã hội chưa phù hợp hay giá lợi nhuận định mức của các dự án nhà ở xã hội cao hơn mức quy định là 10%", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hà Quang Hưng, một trong những vấn đề tồn tại thời gian vừa qua là việc thẩm định giá bán nhà ở xã hội. Theo quy định của Luật Nhà ở 2023, chủ đầu tư sau khi xây dựng xong dự án nhà ở xã hội phải trình lên cơ quan quản lý nhà nước là Sở Xây dựng hoặc Sở Tài chính tại địa phương để thẩm định và chủ đầu tư phải đợi sau khi các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định xong đồng ý thì mới được mở bán.
Nhiều địa phương cũng có hiện tượng theo quy định là 30 - 60 ngày có ý kiến với giá bán này, nhưng nhiều địa phương đến cả nửa năm cũng không ra được ý kiến cho chủ đầu tư, dẫn đến chủ đầu tư không thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường sớm được.
Bên cạnh đó, chúng ta lại quy định hai bước: Bước đầu tiên vẫn là thẩm định, sau khi dự án xong vẫn phải thực hiện quyết toán và việc quyết toán này vẫn sẽ là phương án chốt. Nếu chủ đầu tư bán giá cao hơn giá quyết toán thì chủ đầu tư phải trả lại cho người dân. Có thể nói, chúng ta có đến 2 bước để kiểm soát giá bán như thế là tăng thủ tục và tăng chi phí tuân thủ, như vậy không linh hoạt cho chủ đầu tư.
Từ thực tế đó, trong Nghị quyết lần này, Chính phủ trình Quốc hội quyết theo hướng cơ quan quản lý chỉ kiểm soát phần ở đằng sau. Tuy nhiên, để đảm bảo tính công khai, công bằng, minh bạch, chính xác, Nghị quyết yêu cầu chủ đầu tư chủ động theo các phương pháp tính giá bán nhà ở xã hội đã được quy định trong pháp luật, nhưng chủ đầu tư sẽ phải thuê một đơn vị tư vấn có đủ năng lực để thẩm định giá bán này trước khi chủ đầu tư công bố.
Sau khi đã hoàn thành xong dự án thì chủ đầu tư vẫn phải thuê một đơn vị kiểm toán độc lập đối với các nguồn vốn không phải là nguồn vốn nhà nước và Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán các công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công, gửi kết quả kiểm toán này đến Sở Xây dựng để Sở có ý kiến đối với giá bán là đúng hay chưa đúng quy định; đồng thời có các chế tài nếu chủ đầu tư bán cao hơn, nếu chủ đầu tư bán thấp hơn giá quyết toán thì chủ đầu tư cũng không được thu thêm.
Lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản cũng cho biết thêm, một nguyên nhân nữa là gần đây các doanh nghiệp đang bắt đầu khởi công và đưa ra giá bán đã tính toán chi phí thực tiễn đang xảy ra ở thị trường, trong đó, có chi phí quá trình thực hiện kéo dài, chi phí quản lý, chi phí vận hành, chi phí lãi vay đều phải cộng vào. Càng để thời gian dài chi phí càng tăng lên.
Ngoài ra, chi phí đầu vào khác như nhân công, vật liệu, vật tư càng tăng mạnh, nhất là vật liệu khan hiếm có thể tăng lên gấp đôi… Tất cả những cái đó doanh nghiệp phải cộng vào và tính cho việc phải triển khai tại thời điểm này.
Lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản cho rằng, các doanh nghiệp đã đặt ra mức giá so với trước đây tăng lên nhiều. Tuy nhiên, so với nhà ở thương mại hiện nay thì giá này vẫn thấp hơn đáng kể.
Tuệ Lâm
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gia-ban-nha-o-xa-hoi-van-cao-bo-xay-dung-neu-nguyen-nhan-d59486.html