Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản liên tục ghi nhận thông tin về sự tăng giá của nhiều loại hình bất động sản như căn hộ chung cư, nhà trong ngõ, nhà liền kề, biệt thự và gần đây nhất là đất đấu giá với những phiên đấu giá cao kỷ lục tại các quận, huyện ở Hà Nội…
Cùng với đó là những thông tin về tình trạng khan hiếm nguồn cung cũng khiến tình trạng “sốt giá” nóng lên và tạo độ khan hiếm cho thị trường.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng, thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa phục hồi, tình hình thị trường chung khá trầm lắng, chỉ một số phân khúc có dấu hiệu tăng nhiệt do các thông tin xuất hiện trên thị trường.
Phân tích về tình hình thị trường hiện nay, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho biết, theo quan sát thực địa tại một số vùng và các môi giới bất động sản thì tình hình thị trường không nóng sốt, thị trường sang năm 2025 không lo sốt và có thanh khoản khá để người muốn bán thì bán được.
Giá bất động sản tăng thực hay tăng do thổi giá?
TS Đinh Thế Hiển nhận định không có chuyện thị trường bất động sản mua chỉ có lời chứ không lỗ, chỉ có tăng chứ không giảm, vì như vậy không phải là kinh tế thị trường. “Kinh tế thị trường thì đâu phải lúc nào cũng tăng. Thay vào đó, khi tăng nhanh quá sẽ xuất hiện tình trạng bong bóng rồi đóng lại. Thế giới đã và đang xuất hiện nhiều bong bóng” - chuyên gia nêu quan điểm.
Với việc thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng mở rộng về quy mô, ngày càng có tính kinh tế thị trường, câu hỏi là tại sao thị trường bất động sản hiện nay rất trầm lắng, mua bán rất khó mà giá bất động sản vẫn cứ tăng? Nếu theo quy luật kinh tế thị trường, khi một sản phẩm đầu tư tăng giá, chứng tỏ cầu rất nhiều và sẵn sàng mua, nhưng tại sao người bán lại bán không được hoặc bán rất khó, ngân hàng phát mãi cũng không được?
Ông Hiển cho rằng nhà đầu tư cần tự đặt ra câu hỏi liệu sự tăng giá này có thật sự là đúng theo thị trường không hay chỉ mang tính cục bộ thông qua một số trường hợp mang tính truyền thông. Nếu thật sự thị trường bất động sản đang tăng và vẫn tiếp tục tăng, chứng tỏ thị trường đang rất sung sức, các doanh nghiệp trong ngành không lo gì về vấn đề trả nợ, không cần Nhà nước phải giải cứu.
Đồng thời, nếu mua nhà để ở thì người mua cần đặt câu hỏi tại sao phải mua những dự án lớn ở xa, giá có thể lên tới 70-80 triệu đồng/m2 hoặc hơn.
Ông đưa ra ví dụ, đơn cử khu vực TPHCM, các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận có nhiều chung cư ở tốt, ở thoải mái, sôi động, do nằm ngay trung tâm. Một số căn hộ thứ cấp khoảng 70m2 được rao bán với giá 4.5-5 tỷ đồng, chia lại bình quân thì tầm trên 65 triệu đồng/m2. Những điều trên chỉ mới thể hiện ở thị trường chung cư chứ chưa nói đến những thị trường khác như nhà hẻm, đất vùng ven… Điều này cho thấy thị trường bất động sản không tăng nóng như những tin đồn. Người mua thật sự để ở có thể thong thả tìm kiếm một nơi có giá hợp lý.
Ông Hiển cũng cho biết giá bất động sản hiện đã chững lại. Không thể lấy những trường hợp riêng, một căn hộ đặc biệt đưa ra giá trên trời để nói về kinh tế thị trường. Thị trường ở các thành phố phát triển như New York, Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải,… đều có những căn hộ ở mức vài chục triệu thậm chí cả trăm triệu USD, nhưng không vì vậy mà lấy giá những căn hộ đó là giá điển hình cho những đô thị này, bởi vì đó là những căn có vị trí đặc biệt, dành cho giới siêu giàu.
Còn thị trường chung của các nước phải dựa trên thu nhập của người dân và mức độ khai thác. Việt Nam cũng vậy, sẽ không có việc giá nhà cứ tăng bất chấp 2 yếu tố trên.
Về câu chuyện thiếu nguồn cung, ông Hiển cũng chỉ ra có thể dễ dàng tìm trên internet thông tin rao bán bất động sản thứ cấp từ nhà phố, đất nền, căn hộ,… rất nhiều. Bên cạnh đó, chỉ cần ra khỏi thành phố, với mỗi 1km ra xa sẽ thấy càng nhiều đất trống, cụ thể như các vùng Nhơn Trạch, Bình Chánh, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc… cho thấy thị trường không lo thiếu đất để xây dựng bất động sản, dẫn đến không thiếu nguồn cung.
Lê Hằng