Hôm thứ Ba (17/12), hợp đồng tương lai ca cao giao tháng 3 tại New York đã tăng lên 11.938 USD/tấn, tiếp tục thiết lập mức giá cao mới, và đã tăng hơn 180% kể từ đầu năm đến nay.
Điều này diễn ra trong bối cảnh xuất hiện mối lo ngại mới về điều kiện thời tiết bất lợi và tình trạng khan hiếm nguồn cung ở Tây Phi, là khu vực sản xuất khoảng 75% sản lượng ca cao của thế giới.
Các nhà chiến lược tại ngân hàng ING của Hà Lan cho biết tình trạng khan hiếm dai dẳng trên thị trường ca cao và cà phê cùng với sự không chắc chắn về thời tiết sẽ có khả năng khiến giá tiếp tục biến động mạnh trong năm tới.
Trích dẫn dữ liệu từ Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO), báo cáo của ING cho biết thị trường ca cao toàn cầu đã ghi nhận mức thâm hụt lớn nhất trong hơn 60 năm trong niên vụ 2023-2024. Các nhà phân tích cho rằng sự thiếu hụt này là do tình trạng mất mùa ở những nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới là Bờ Biển Ngà và Ghana.
“Trong khi triển vọng cho niên vụ 2024/2025 đang có vẻ khả quan hơn, vẫn còn những lo ngại về diễn biến thời tiết ở Tây Phi và tác động của chúng đối với sản lượng trong mùa vụ này…Các dự báo hiện tại cho thấy sản lượng của Tây Phi sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, điều này có rủi ro do thời tiết xấu gần đây”, Warren Patterson, giám đốc chiến lược hàng hóa tại ING cho biết.
Ngoài ra, ông Patterson cho biết, giá ca cao có khả năng vẫn ở mức cao kỷ lục vào năm tới, và điều này là cần thiết để kiềm chế nhu cầu.
Giống như ca cao, giá cà phê cũng tăng vọt trong năm nay và các nhà phân tích cũng cho rằng có thể mất nhiều năm để giá cà phê sụt giảm trở lại.
"Chúng ta lại có một đợt tăng giá cà phê đột biến khác. Cà phê arabica đã đạt mức giá cao nhất kể từ năm 1977 và tùy thuộc vào hợp đồng tương lai xem xét, nó có thể là một kỷ lục lịch sử và giá robusta cũng đạt kỷ lục... Đây là một tình huống khá thú vị", Carlos Mera, chiến lược gia của Rabobank cho biết.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài