Giá cà phê giảm mạnh
Giá cà phê hôm nay giảm sâu ở cả thị trường trong nước và thế giới, trong bối cảnh lo ngại chính sách thương mại toàn cầu.
Ở trong nước, giá cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang giảm từ 2.300 - 2.500 đồng/kg so với phiên giao dịch trước và phiên sáng. Hiện giá cà phê dao động trong khoảng 130.200 - 131.200 đồng/kg, giá bán trung bình ở mức 131.100 đồng/kg.
Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, cà phê nhân xô giảm 2.300 đồng/kg so với phiên sáng, giá bán hiện đang ở mức 130.200 đồng/kg. Tại một số địa phương khác, giá cà phê cũng giảm sâu, như ở Đắk Nông, cà phê đang có giá thu mua 131.200 đồng/kg, vì đã giảm 2.400 đồng/kg. Hiện giá cà phê tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum cùng ở mức 131.000 đồng/kg sau khi giảm 2.500 đồng/kg.
Giá cà phê các tỉnh khu vực Tây Nguyên bất ngờ quay đầu giảm mạnh. Ảnh minh họa: IT.
Trên sàn London, giá Robusta kỳ hạn tháng 5 giảm tới 259 USD, chốt còn 5.112 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 7 giảm 283 USD, xuống còn 5.105 USD/tấn. Các kỳ hạn xa hơn cũng đồng loạt giảm mạnh.
Trên sàn New York, giá Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm tới 19,55 cent, chốt ở mức 365,70 cent/lb. Kỳ hạn tháng 7 giảm 18,45 cent, xuống còn 363,30 cent/lb. Các kỳ hạn xa hơn đều giảm trên 17 cent.
Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. Mặc dù cà phê Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang được áp dụng mức thuế 0%, chưa có thay đổi chính thức về thuế nhập khẩu của Mỹ, tuy nhiên tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi lo ngại nguy cơ Mỹ mở rộng áp thuế với cà phê nhập khẩu.
Theo Reuters, mức thuế đối ứng mà Mỹ tuyên bố sẽ áp cho Việt Nam 46% khiến người mua ở Mỹ tốn thêm khoảng 2.500 USD/tấn. Đây là thách thức lớn với ngành công nghiệp đồ uống của Mỹ - nước tiêu thụ thức uống lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 3 vào thị trường Mỹ, cà phê robusta Việt Nam là loại nguyên liệu được sử dụng rộng rãi ở nước này.
Giá tiêu trong nước giảm kỷ lục
Ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% áp vào các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, thị trường tiêu trong nước đảo chiều giảm mạnh.
Sáng 5/4, giá tiêu tại nhiều tỉnh giảm mạnh từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, đánh mất mốc tăng đạt được sau Tết và trở lại gần mức trước thu hoạch.
Theo đó, giá tiêu tại tỉnh Gia Lai được thu mua ở mức thấp nhất là 150.500 đồng/kg, giảm 6.500 đồng/kg. Đứng ở mức cao hơn, thương lái tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông thu mua hồ tiêu với giá 152.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai, giá tiêu hôm nay giảm 6.000 đồng/kg, về mốc 151.000 đồng/kg.
Như vậy, giá tiêu trong nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng trở lại đây do thị trường lo ngại mức thuế đối ứng của Mỹ.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu xuất khẩu của các nước nhìn chung vẫn ổn định so với ngày hôm qua. Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC) báo giá tiêu đen Kuching Malaysia ở mức cao nhất là 9.900 USD/tấn; tiêu đen Lampung Indonesia đạt 7.239 USD/tấn; tiêu đen ASTA 570 của Brazil thấp nhất với 6.950 USD/tấn.
Giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam vẫn được giao dịch ở mức 7.100 USD/tấn đối với loại 500 g/l và 7.300 USD/tấn với loại 550 g/l.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Việt Nam đã xuất khẩu được 27.416 tấn hồ tiêu các loại trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với khối lượng đạt 5.890 tấn, chiếm 21,5% thị phần.
Liên quan đến việc Mỹ áp thuế lên tiêu nhập khẩu, ngày 4/4, Hiệp hội gia vị Mỹ (ASTA) đã có kiến nghị chính thức liên quan đến mức thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump vừa ban hành.
Theo bà Laura Shumow, Giám đốc điều hành ASTA, gia vị là thành phần thiết yếu trong nhiều mặt hàng tạp hóa và hầu như mọi bữa ăn nấu tại nhà và tại nhà hàng. ASTA vẫn lo ngại về những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn mà các loại thuế quan mới có thể gây ra đối với ngành gia vị của chúng tôi và người tiêu dùng Mỹ.
“Chúng tôi một lần nữa đề nghị chính phủ triển khai quy trình miễn trừ thuế quan và loại trừ những loại gia vị không được trồng tại Mỹ. Nhiều loại gia vị như hồ tiêu, vani, quế và nhục đậu khấu cần điều kiện khí hậu nhiệt đới và không thể trồng với quy mô thương mại trong nước. Do đó, việc áp thuế đối với những mặt hàng này không khuyến khích sản xuất trong nước hay tạo thêm việc làm cho người Mỹ. Thay vào đó, chúng tạo gánh nặng tài chính đáng kể cho các nhà sản xuất thực phẩm, nhà hàng và cuối cùng là người tiêu dùng Mỹ", bà Laura Shumow cho biết.
Thanh Huyền