Giá cà phê hôm nay 19/11/2024
Giá cà phê thế giới giảm nhẹ phiên đầu tuần trên cả hai sàn sau một tuần tăng giá mạnh, do mưa tại Brazil làm giảm bớt mối lo ngại về tình trạng khô hạn và và kích thích hoạt động chốt lời trên thị trường kỳ hạn.
Giá cà phê trong nước liên tục được nâng giá trong mùa thu hoạch, hiện đang giao dịch trong đầu tuần này ở ngưỡng 113.100 – 113.700 đồng/kg. Đây là mức giá "mơ ước" trong nhiều năm qua. Những tháng vừa qua, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã tập trung mua cà phê Việt khi mốc thời gian thực hiện quy định chống phá rừng đến gần. Qua đó, đẩy giá cà phê Việt Nam lên mức cao nhất thế giới.
Nhưng như vậy, giá cà phê vẫn đang giao dịch ở mức cao, vẫn trong xu hướng tăng, đan xen giữa các phiên giảm vẫn có những phiên tăng, dù nguồn cung Việt Nam đang là mùa thu hoạch rộ.
Giá cà phê cũng chịu áp lực khi Sở Giao dịch liên lục địa (ICE) cho biết sẽ hoãn việc thay đổi các hợp đồng cà phê và ca cao đã lên kế hoạch đến cuối năm 2025, do sự không chắc chắn về các quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR).
Trọng tâm thông tin tác động đến thị trường vẫn là vấn đề thời tiết gây bất lợi cho vụ mùa năm sau tại quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới là Brazil. Các nhà kinh doanh lưu ý rằng mặc dù có mưa gần đây, độ ẩm của đất vẫn ở mức thấp, dẫn đến sự phát triển hạn chế của quả và sự phát triển quá mức của lá. Dự báo về tình trạng nóng và khô liên tục ở Minas Gerais, vùng sản xuất cà phê arabica chính của Brazil, đã quay lại tiếp tục hỗ trợ thêm cho giá.
Đáng nói, tại Việt Nam, dù giá cao nhưng việc thu mua bị đánh giá rất khó khăn do tâm lý kỳ vọng tăng giá dịp cuối năm nên người trồng cà phê không muốn bán sớm. Nhiều nhà vườn vừa bán sầu riêng, hồ tiêu xong nên có nguồn tài chính dồi dào, thậm chí quay sang mua cà phê dự trữ như một khoản đầu tư. Chính vì vậy dù đang vào cao điểm thu hoạch rộ nhưng nguồn cung không dồi dào như các năm trước. Điều này góp phần khiến giá cà phê càng tăng.
Theo phân tích của các chuyên gia, động lực để đẩy giá arabica lên mức cao nhất trong 13 năm qua và robusta đạt mức cao nhất trong 1 tháng qua vào tuần trước một phần là có sự đóng góp của Nghị viện châu Âu sau khi họ bỏ phiếu thay đổi các quy định về phá rừng. Nếu EU không thể thống nhất về những thay đổi đối với các quy định trước thời hạn của tháng tới, thì luật này sẽ được thực hiện, điều đó có thể hạn chế nguồn cung cà phê từ các quốc gia như Brazil và Indonesia, nơi xảy ra tình trạng phá rừng. Biện pháp Quy định về phá rừng của EU (EUDR) nêu rõ các công ty nhập khẩu cà phê phải bảo đảm rằng các sản phẩm họ đưa vào EU không được sản xuất tại các khu vực bị phá rừng sau năm 2020.
Giá cà phê trong nước ngày 18/11 tăng 300 - 400 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Brandsvietnam)
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (19/11), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London điều chỉnh giảm nhẹ, kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 38 USD, giao dịch tại 4.735 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 3/2025 giảm 24 USD giao dịch tại 4.675 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York quay đầu giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 giảm 1,05 Cent, giao dịch tại 280,75 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 1,10 Cent, giao dịch tại 282,20 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước ngày 18/11 tăng 300 - 400 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VNĐ/kg
(Nguồn: giacaphe.com)
Tại kỳ họp ngày 13-14/11/2024, Nghị viện châu Âu (EC) đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR, với 371 phiếu thuận, 240 phiếu chống và 30 phiếu trắng. Thời hạn hoãn là 12 tháng. Nghị viện châu Âu cũng thông qua một số sửa đổi khác liên quan tới EUDR.
Như vậy, các nhà xuất nhập khẩu và thương nhân lớn khi giao thương với thị trường EU, sẽ phải tuân thủ Quy định này từ ngày 30/12/2025, trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ có thời gian đến ngày 30/6/2026. Thời gian bổ sung này sẽ giúp các nhà vận hành trên toàn cầu thực hiện quy định một cách thuận lợi ngay từ đầu mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Quy định.
EU hiện là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, khoảng 33-35% thị phần toàn cầu. Quy mô tiêu thụ cà phê của thị trường này trong năm 2024 dự kiến lên tới gần 48 tỷ USD và sẽ tăng lên trên 58 tỷ USD vào năm 2029. Liên minh châu Âu cũng là thị trường cà phê lớn, chiếm khoảng 38% tổng lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. Trong top 10 thị trường nhập khẩu nhiều cà phê nhất của Việt Nam có đến 5 nước thuộc EU, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương.
Như vậy, Quy định EUDR bắt buộc các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào thị trường này không được trồng trên đất phá rừng hoặc làm suy thoái rừng đang tạo thách thức. Nhưng nhìn vấn đề ở một góc độ tích cực, đây cũng chính là động lực mới cho chiến lược phát triển ngành hàng cà phê một cách bền vững.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều nơi, nông dân có kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, lạm dụng phân bón hóa học làm suy thoái hệ sinh thái và xâm canh cà phê trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra. Do vậy, quy định khắt khe của EU vừa là thách thức và cũng là cơ hội để chúng ta càng nỗ lực hơn trong việc minh bạch từ sản xuất đến tiêu thụ, mà mấu chốt đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho người nông dân từ khâu sản xuất.
Người tiêu dùng châu Âu nói riêng, thế giới nói chung ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Chính vì vậy, đạo luật về chống phá rừng của EU có thể là đòn bẩy thúc đẩy ngành cà phê phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.
Gia An