Giá cà phê hôm nay 22-1: Tăng phi mã

Giá cà phê hôm nay 22-1: Tăng phi mã
6 giờ trướcBài gốc
Giá cà phê hôm nay 22-1, kết thúc phiên giao dịch trên sàn London – Anh, cà phê Robusta lại thêm 1 phiên tăng phi mã với mức tăng từ 2,33%-2,77%, tùy kỳ hạn. Cụ thể các kỳ hạn như sau:
Kỳ hạn giao hàng tháng 3-2025 tăng 120 USD, lên 5263 USD/tấn.
Kỳ hạn giao hàng tháng 5-2025 tăng 127 USD, lên 5217 USD/tấn.
Kỳ hạn giao hàng tháng 7-2025 tăng 131 USD, lên 5136 USD/tấn.
Kỳ hạn giao hàng tháng 9-2025 tăng 136 USD, lên 5047 USD/tấn.
Như vậy, theo quy đổi, giá cà phê Robusta giao tháng 3-2025 đã lên đến gần 132 triệu đồng/tấn. Sau 3 phiên giao dịch tăng liên tiếp, tổng mức tăng của giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 3-2025 là 374 USD/tấn. Cả 4 kỳ hạn giao hàng cà phê Robusta đều đứng vững trên 5.000 USD/tấn và kỳ hạn giao hàng xa, thời điểm sau tháng 7, tức khi Brazil đã có thu hoạch lại tăng mạnh hơn cho thấy các nhà đầu tư trên sàn rất lạc quan về tương lai giá cà phê Robusta.
Trong khi cà phê Robusta tăng phi mã thì cà phê Arabica trên sàn New York – Mỹ lại giảm khi hoạt động trở lại sau phiên tạm ngưng trong ngày Tổng thống 47 Donal Trump nhậm chức.
Mức giảm của sàn này ở 4 kỳ hạn từ 0,08-0,2% so với phiên giao dịch trước đó. Kỳ hạn giao hàng tháng 3-2025, giá cà phê Arabica giảm 10 USD/tấn, còn 7.230 USD/tấn, tương đương hơn 181 triệu đồng/tấn.
Giữa lúc giá cà phê trên sàn London tăng nóng thì giá cà phê trong nước lại thận trọng hơn do các đại lý, doanh nghiệp xuất khẩu lo biến động giá trong thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán.
Việt Nam thu hoạch gần xong cà phê vụ 2024-2025
Giá cà phê trong nước chiều qua 21-1 ở mức bình quân 120.200 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg so với ngày 20-1.
Trong khi đó, một số nông dân tin rằng, giá cà phê có thể quay lại mốc kỷ lục 130.000 đồng/kg như đã đạt vào tháng 11-2024 vừa qua nên vẫn tiếp tục chờ đợi, chưa vội bán hết lượng cà phê thu hoạch được.
Theo dự báo thị trường cà phê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các nước xuất khẩu cà phê nhân hàng đầu trong niên vụ 2024-2025 vẫn là Brazil, Việt Nam và Colombia với thị phần lần lượt là 33%, 20% và 9%. Các thị trường xuất khẩu tiếp theo là: Indonesia, Uganda (cùng 5% thị phần) và Ethiopia, Honduras (cùng 4% thị phần).
Điều này cho thấy, Brazil và Việt Nam chiếm vị trí trọng yếu về nguồn cung cà phê cho toàn cầu.
Ngọc Ánh, Ảnh: AN NA
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/gia-ca-phe-hom-nay-22-1-tang-phi-ma-196250122065403217.htm