Giá cà phê thế giới
Đầu giờ sáng 30/4 (giờ Việt Nam), trên sàn London, giá cà phê Robusta giao tháng 7 đứng ở mức 5.298 USD/tấn, giảm 115 USD/tấn so với phiên giao dịch trước. Trong khi đó, kỳ hạn giao tháng 9 lại giảm 114 USD/tấn, giao dịch ở mức 5.251 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 7 là 401,75 cent/lb, giảm 8,30 cent/lb so với hôm qua. Kỳ hạn giao hàng tháng 9 ở mức 392 cent/lb, giảm 9,90 cent/lb.
Giá cà phê hôm nay biến động trái chiều. (Ảnh minh họa)
Giá cà phê trong nước
Giá cà phê trong nước hôm nay ghi nhận tăng nhẹ tại tất cả các địa phương, dao động trong khoảng 130.200 - 130.800 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk là 130.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với hôm qua.
Giá cà phê tại Lâm Đồng ghi nhận giao dịch ở mức 130.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai, được giao dịch ở mốc 130.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với phiên giao dịch trước.
Giá cà phê tại Đắk Nông được thương lái thu mua ở mức 130.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với đầu giờ sáng qua.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê có xu hướng tăng do sự kết hợp của các yếu tố nguồn cung sụt giảm, tác động bất lợi từ thời tiết mùa vụ và tác động từ thị trường tài chính.
Theo đó, mới đây các chuyên gia đưa ra dự báo sản lượng cà phê Arabica của Brazil trong niên vụ 2025 chỉ đạt khoảng 34,7 triệu bao loại 60 kg, giảm 12,4% so với niên vụ trước. Đây là mức giảm đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến lượng cung ra thị trường.
Thêm vào đó, xuất khẩu cà phê của Brazil trong quý I cũng đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong 19 ngày làm việc đầu tháng 4/2025, xuất khẩu cà phê chưa rang của nước này giảm tới 29% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tình trạng hạn chế nguồn hàng thực sự đang hiện hữu.
Điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng cà phê chính ở Brazil là một yếu tố đáng kể khác góp phần làm giảm sản lượng Arabica.
Đáng chú ý, sự suy yếu của đồng USD so với đồng Real (Brazil) đã khiến nông dân và doanh nghiệp Brazil có xu hướng hạn chế bán ra cà phê để chờ giá cao hơn, làm gia tăng tình trạng khan hàng trên thị trường.
Thành Lâm