Giá cao su lên đỉnh 13 năm, doanh nghiệp lãi lớn

Giá cao su lên đỉnh 13 năm, doanh nghiệp lãi lớn
3 giờ trướcBài gốc
Chuyên viên cao cấp phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), ông Nguyễn Minh Đức cho biết, tại thời điểm cuối tháng 9/2024, giá cao su RSS3 và TSR20 trên thị trường quốc tế lần lượt tăng 83% và 55% so với cùng kỳ, nguyên nhân do diễn biến thời tiết cực đoan.
Điều này đã hỗ trợ tích cực cho giá cao su xuất khẩu của Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân trong tháng 9/2024 đạt 1.697 USD/tấn, tăng 30% so với cùng kỳ và 9 tháng năm 2024 đạt 1,588 USD/tấn, tăng 19% so với cùng kỳ.
Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 tăng 12% so với cùng kỳ, dù sản lượng xuất khẩu giảm 6% so với cùng kỳ.
Đầu tháng 10, giá cao su thế giới tiếp tục đà tăng lên mức cao nhất 13 năm trở lại đây, đạt 73,6 triệu đồng tấn đối với cao su RSS3, tương ứng mức tăng tới gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn 10% so với hồi tháng 9.
Người dân chăm sóc cao su thời kỳ thu hoạch. Ảnh: K GƯỈH – TTXVN
Ông Đức dự báo giá cao su xuất khấu của Việt Nam vẫn ở mức cao cho tới cuối năm bởi nguồn cung thiếu hụt; nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế; diện tích trồng giảm do xu hướng chuyển đổi đất cao su.
Năm 2024, nguồn cung cao su toàn cầu được dự báo tăng trưởng ở mức thấp 0,4% do điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina; bệnh rụng lá lan rộng tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng cao su; người dân trồng cao su tại nhiều nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu sẽ tăng mạnh 2,3% nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc bởi nước này đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia sản xuất lớn đang chuyển đổi đất trồng cao su sang mục đích khác sẽ hỗ trợ giá cao su tăng trong dài hạn.
Theo MBS, về nguồn cung, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tiếp tục nâng dự báo thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trong năm nay.
ANRPC hạ dự báo nguồn cung cao su tự nhiên năm 2024 từ 14,54 triệu/tấn xuống 14,5 triệu/tấn vì những lý do nói trên.
Qua đó, ANRPC dự báo năm 2024 sản lượng cao su thế giới chỉ tăng 0,4% và sản lượng cao su của các nước thành viên hiệp hội giảm 0,6%.
Về nhu cầu, ANRPC điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu trong năm nay từ 15,67 triệu tấn lên 15,75 triệu tấn, với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc dần phục hồi bởi nước này đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng; hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường.
Thái Lan (chiếm 33% sản lượng thế giới) cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Indonesia – đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Việt Nam chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp, điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã được phê duyệt chuyển đổi hơn 23.000 ha đất, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) định hướng chuyển đổi 10.869 ha đất, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR) chuyển đổi 1.621 ha đất.... bởi cho thuê đất khu công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cao su. MBS cho rằng xu hướng chuyển đổi đất cao su sẽ hỗ trợ tích cực cho giá cao su.
Bên cạnh đó, chuyên gia MBS nhìn nhận việc giá dầu tăng cũng tác động đến giá cao su
Giá dầu thô có tác động gián tiếp đến giá cao su tự nhiên thông qua giá cao su tổng hợp do dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), giá dầu được dự báo đạt 83-84 USD/thùng trong năm 2024-2025 do những bất ổn đang ngày càng leo thang tại Trung Đông. MBS dự báo giá dầu tiếp tục tăng cao sẽ hỗ trợ cho giá cao su trong thời gian tới.
Nhờ giá bán tăng cao, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành cao su cũng tăng vọt. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: VRG) mới đây cho biết, 9 tháng năm 2024, tập đàn có doanh thu hợp nhất 16.207 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.850 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của tập đoàn tăng 16,2%.
Như vậy, tính riêng trong quý III/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lãi trước thuế hợp nhất khoảng 888 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn này cho biết, quý III là vụ khai thác chính trong năm. Trong khi đó, giá cao su phục hồi tích cực hơn so với dự báo do nguồn cung yếu suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính tại khu vực Đông Nam Á và nhu cầu mua tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi của tập đoàn gặp nhiều thuận lợi.
Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (mã chứng khoán: TRC) cho biết, giá bán mủ cao su tăng, dẫn đến lợi nhuận trước thuế quý III/2024 hợp nhất của Công ty ở mức kỷ lục từ năm 2014 trở lại đây, đạt 83,7 tỷ đồng, gấp 5,23 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, Cao su Tây Ninh đạt 114,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 374% so với cùng kỳ năm 2023.
Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất báo lãi trước thuế quý III/2024 đạt 15,4 tỷ đồng, gấp 2,96% cùng kỳ 2023. Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh nghiệp có lãi trước thuế đạt 31,4 tỷ đồng, tăng 1,6%.
Hay như Công ty cổ phần Cao su Tân Biên đạt 219 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18,1%...
Gia đình vợ chồng chị Mai, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập thu hoạch mủ cao su. Ảnh: K GƯỈH – TTXVN
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SBS (SBS) cho rằng,tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su có thể kéo dài đến năm 2028, với mức thiếu hụt hàng năm được dự báo dao động từ 600.000 - 800.000 tấn/năm.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo sẽ đạt mức trên 3 tỷ USD, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của giá cao su trên thị trường thế giới.
Mức kim ngạch xuất khẩu này dự kiến dao động từ 3,2 đến 3,5 tỷ USD, tăng từ mức khoảng 2,9 tỷ USD vào năm 2023. Điều này có được nhờ giá cao su tăng nhanh do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và nhu cầu gia tăng mạnh từ các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, và Mỹ.
SBS còn cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển bán tín chỉ carbon từ cây cao su.
Bình quân lượng carbon tích lũy hàng năm cao nhất vẫn là đồn điền cao su, với tổng diện tích rộng lớn rừng cao su hiện nay không chỉ đem lại giá trị kinh tế từ mủ cao su, gỗ cao su mà ngành cao su ở Việt Nam còn có tiềm năng để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.
Với diện tích khoảng 910.000 ha rừng cao su ở Việt Nam, lượng carbon tích lũy hàng năm ước tính dao động từ 22,75 triệu tấn đến 27,3 triệu tấn CO2. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon từ các đồn điền cao su tại Việt Nam.
Thu nhập từ bán tín chỉ carbon được thống kê là một nguồn thu nhập đáng kể của các ngành hàng có liên quan tới trồng rừng và phát triển kinh tế rừng; trong đó có rừng cao su.
Theo SBS, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, khu vực chiếm hơn 80% tổng diện tích trồng cao su của thế giới. Vị trí này không chỉ giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại mà còn tận dụng được sự phát triển của ngành cao su trong toàn khu vực.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/gia-cao-su-len-dinh-13-nam-doanh-nghiep-lai-lon/350494.html