Thời kỳ cao su quay trở lại
Theo báo cáo phân tích công bố đầu tháng 10, Chứng khoán MBS thông tin, tại thời điểm cuối tháng 9, giá cao su RSS3 và TSR20 (2 loại được sản xuất từ cao su thiên nhiên) trên thị trường quốc tế lần lượt tăng 83% và 55% so với cùng kỳ, nguyên nhân do diễn biến thời tiết cực đoan. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho giá cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Giá xuất khẩu bình quân trong tháng 9 đã tăng 30% so với cùng kỳ và 19% trong cả 9 tháng. Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 9 tháng tăng 12% dù sản lượng xuất khẩu giảm 6%. “Chúng tôi cho rằng giá cao su xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao cho tới cuối năm bởi nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế và diện tích cao su giảm do xu hướng chuyển đổi đất cao su”, báo cáo của MBS nêu.
Giá bán cao su tăng cao giúp các doanh nghiệp cao su tự nhiên báo lãi lớn trong quý III. MBS dự báo, giá cao su vẫn neo ở mức cao trong thời gian tới do điều kiện thời tiết không thuận lợi, bệnh rụng lá lan rộng, giảm diện tích đất trồng cao su và nhu cầu tiêu thụ tăng.
Loạt doanh nghiệp cao su tự nhiên được hưởng lợi
Trong buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cuối tháng 9, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) cho biết, trong quý III, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn có nhiều thuận lợi khi cao su đã vào mùa vụ khai thác chính trong năm.
Bên cạnh đó là diễn biến giá cao su có tín hiệu phục hồi tích cực hơn so với dự báo kế hoạch nhờ nguồn cung suy giảm bất thường tại các nước sản xuất chính tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia. Hơn nữa là nhu cầu mua tăng lên hơn từ hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo kết quả từ BCTC, 9 tháng đầu năm nay, GVR ghi nhận doanh thu doanh thu thuần gần 17.000 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 2.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 38% so với cùng kỳ.
Tính riêng quý III, lợi nhuận sau thuế GVR đạt hơn 1.120 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với quý III/2023. Lợi nhuận tăng mạnh đến từ 2 nguyên nhân chính là không còn lỗ lớn từ công ty liên doanh/liên kết và lợi nhuận khác tăng mạnh.
Cụ thể, GVR ghi lãi từ liên doanh/liên kết 4,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 269 tỷ đồng chủ yếu do lỗ tại CTCP Gỗ MDF VRG - Dongwha, nơi GVR đang sở hữu 49% vốn cổ phần.
Còn 323 tỷ đồng thu nhập khác, gần gấp đôi kỳ năm trước, nhờ hưởng lợi từ cây cao su thanh lý, gãy đổ.
Nhờ giá bán mủ cao su tăng, doanh thuCTCP Cao su Tây Ninh (Taniruco – Mã: TRC) trong quý III đạt 221 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện, tăng từ 12% lên 31%.
Bên cạnh đó, Tanirucoc còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 30 tỷ đồng nhờ bán thanh lý cây cao su trong quý III. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế hơn 73 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là kết quả theo quý cao nhất của đơn vị này suốt từ quý I/2013 đến nay.
Kết quả tích cực này đã giúp lãi sau thuế 9 tháng của doanh nghiệp tăng gấp hơn 5 lần cùng kỳ, vượt hơn 30 tỷ so với kế hoạch lợi nhuận.
Giá cao su tăng cao cũng hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành như CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), CTCP Cao su Thống Nhất (Mã: TNC), CTCP Cao su Bà Rịa (Mã: BRR)…
Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp cao su trên sàn chứng khoán. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC.
Ngược lại, dù giá mủ cao su tự nhiên tăng giúp lợi nhuận gộp từ việc bán sản phẩm cao su tăng so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận gộp từ hoạt động cho thuê đất, hạ tầng khu công nghiệp giảm gần 130 tỷ do trong quý III công ty không phát sinh doanh thu từ việc cho thuê mới đất, hạ tầng khu công nghiệp mà chỉ có các khoản phân bổ từ doanh thu chưa thực hiện.
Diễn biến trái chiều nhóm săm lốp
Dù có doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận sau thuế CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) giảm 39% xuống 46 tỷ đồng trong quý III. Theo công ty, lợi nhuận “đi xuống” do giá vốn bán hàng tăng cao và lỗ chênh lệch tỷ giá.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh bán sản phẩm băng tải và cao su kỹ thuật tăng trưởng giúp kết quả kinh doanh của CTCP Cao su Bến Thành (Mã: BRC) được cải thiện. Cụ thể, doanh thu công ty đạt 124 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8 tỷ đồng, tăng lần lượt 27%, 14% so với cùng kỳ.
Quý này, doanh thu CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina - Mã: CSM) giảm 18% so với cùng kỳ xuống 1.107 tỷ đồng do nguồn thu kinh doanh vật tư “đi xuống”. Lãi gộp đạt gần 141 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Song, lợi nhuận sau thuế tăng 19% lên 23 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ này được hoãn lại.
Giá cao su tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ tác động đến doanh nghiệp nào?
Dự báo về giá cao su thời gian tới, MBS cho rằng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng bởi lo ngại nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu tăng.
Về nguồn cung, hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tiếp tục nâng dự báo thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trong năm nay.
ANRPC hạ dự báo nguồn cung cao su tự nhiên năm 2024 từ 14,54 triệu/tấn xuống 14,5 triệu/tấn do tác động của điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina; bệnh rụng lá lan rộng tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng cao su; người dân trồng cao su tại nhiều nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại.
Qua đó, ANRPC dự báo năm 2024 sản lượng cao su thế giới chỉ tăng 0,4% và sản lượng cao su của các nước thành viên hiệp hội giảm 0,6%.
Về nhu cầu, ANRPC điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu trong năm nay từ 15,67 triệu tấn lên 15,75 triệu tấn với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc dần phục hồi bởi nước này đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. ANRPC dự báo nhu cầu cao su thế giới sẽ tăng nhanh ở mức 2,3% trong năm 2024.
Nguồn: ANRPC.
Bên cạnh đó, MBS còn cho rằng, xu hướng chuyển đổi đất cao su hỗ trợ giá cao su trong dài hạn. Hiện tại, các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng và hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường. Theo đó, Thái Lan (chiếm 33% sản lượng thế giới) cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới.
Indonesia – đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Việt Nam chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp, điển hình như GVR đã được phê duyệt chuyển đổi hơn 2.000 ha đất, PHR định hướng chuyển đổi 10.869 ha đất, DPR chuyển đổi 1.621 ha đất,.... bởi cho thuê đất khu công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cao su.
Nguồn: MBS.
Ngoài ra, MBS cũng cho rằng, giá dầu tăng cũng tác động đến giá cao su. Vì giá dầu thô có tác động gián tiếp đến giá cao su tự nhiên thông qua giá cao su tổng hợp do dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp.
Với dự báo trên MBS cho rằng các doanh nghiệp như GVR, PHR và TRC sẽ hưởng lợi lớn nhất nhờ giá cao su tăng cao.
Trang Mai