Giá cát tăng cao, nhiều dự án lao đao

Giá cát tăng cao, nhiều dự án lao đao
9 giờ trướcBài gốc
Công trình nâng cấp cầu Biện nhằm khơi thông sông Cổ Cò đang ảnh hưởng tiến độ do thiếu nguồn cát xây dựng và bê tông thương phẩm.
Trong bối cảnh thời tiết thuận lợi, Đà Nẵng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông và đô thị trọng điểm. Tuy nhiên, nguồn cung cát xây dựng khan hiếm đã và đang gây ra tác động dây chuyền nghiêm trọng, làm chậm tiến độ nhiều công trình, đẩy chi phí xây dựng tăng vọt, ảnh hưởng cả khu vực đầu tư công lẫn dân dụng, tư nhân. Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng (Ban QLDA) vừa báo cáo UBND thành phố về tình trạng khan hiếm cát xây dựng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công hàng loạt công trình trọng điểm trên địa bàn.
Theo đó, trong thời gian gần đây, các nhà thầu xây lắp liên tục phản ánh về việc không thể thu mua đủ cát để phục vụ thi công. Cát dùng để san lấp nền, làm lớp đệm và trộn bê tông tại chỗ đều trở nên khan hiếm. Giá cát tăng vọt trong khi các mỏ khai thác tại Quảng Nam - Đà Nẵng đồng loạt tạm dừng hoạt động hoặc chỉ khai thác cầm chừng, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp cung cấp bê tông thương phẩm lớn buộc phải thông báo ngừng hoặc hạn chế cung cấp. Cụ thể, Công ty CPXD và Đầu tư Thương mại Việt Hàn - Chi nhánh Quảng Nam đã phát đi văn bản thông báo tạm dừng cung cấp bê tông một số công trình do không thu mua được cát để sản xuất. Bà Trần Thị Chiến, Giám đốc Công ty cho biết, với tình trạng các mỏ cát đang phải tạm dừng vì thanh tra và nhiều đơn vị cung cấp cát cũng không có nguồn để cung cấp, nên Công ty rất khó khăn trong việc nhận cấp bê tông cho các công trình, dự án, nên buộc phải tạm dừng, kể cả một số công trình đang thực hiện.
Bê tông Phước Yên cũng thông báo dừng sản xuất, ngừng cung cấp bê tông ra thị trường từ ngày 23-5 nếu nguồn cung cát không được cải thiện. Trong khi đó, nhà máy bê tông Vinaconex 25 đã ra thông báo tăng giá 120 ngàn đồng /1m3 từ ngày 22-5 do đơn giá cát xây dựng tăng cao. Trạm bê tông Sông Hàn và Sỹ Kiên Mạnh thì chỉ nhận cung cấp cho khách hàng truyền thống, các đơn đặt hàng khối lượng lớn và đồng thời tăng giá bê tông từ 20-30% do giá nguyên liệu tăng mạnh.
Theo ông Huy, tình hình khan hiếm vật liệu cát xây dựng, kéo theo giá thành tăng phải tạm dừng sản xuất cung ứng bê tông thương phẩm ra thị trường như hiện nay sẽ gây gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công các công trình xây dựng, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư các dự án. Nổi bật như công trình cải tạo, nâng cấp cầu Biện; hệ thống thu gom nước thải khu vực Hòa Xuân - Cẩm Lệ; kè sông Yên, kè Cu Đê. Nhiều điểm thi công phải tạm dừng, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Giá cát tăng đột biến khiến nhiều công trình tư nhân lao đao.
Không chỉ các công trình đầu tư công, người dân và nhà đầu tư tư nhân tại Đà Nẵng cũng đang phải gồng mình chống chọi với bài toán chi phí vật liệu tăng cao. Ông Huỳnh Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty xây dựng Quang Army cho biết, trung bình xây 100m2 nhà ở dân dụng cần 45m3 cát. Mức giá đang từ 380 ngàn đồng/m3 đã tăng lên 740 ngàn đồng/m3 hiện nay chỉ trong vòng khoảng 1 tháng. Công ty Quang Army đang xây dựng gần 40 công trình nhà ở tư nhân, hầu hết đã hợp đồng trọn gói, bây giờ giá vật liệu xây dựng tăng cao, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lợi nhuận, thậm chí bù lỗ. "Đến chiều nay các mỏ cát dừng khai thác.
Chúng tôi chỉ còn khoảng 500 khối để sản xuất trong những ngày tới do đã đặt cọc trước. Những xe cát cuối cùng ra khỏi bãi là cát của chúng tôi. Nhưng với 500 khối thì chỉ sản xuất 1 tuần là hết, và các công trình nhà ở đang xây dựng buộc phải tạm dừng" - Ông Quang chia sẻ.
Cũng theo ông Quang, vào năm 2017 thị trường xây dựng Đà Nẵng cũng một phen lao đao khi giá cát xây dựng bị đẩy lên 800 ngàn đồng đến 900 ngàn đồng mỗi khối. "Đang mùa xây dựng, nhu cầu cao mà các mỏ cát cung ứng nhỏ giọt, khai thác cầm chừng, thì đương nhiên giá cát phi mã. Vấn đề cần kiểm tra, quản lý, vì sao lại dừng khai thác, cung ứng cầm chừng, có hiện tượng đầu cơ hay không?- ông Quang nói.
Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng kiến nghị UBND TP sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan đánh giá, rà soát nguồn cung cát xây dựng, đồng thời có giải pháp tháo gỡ cấp bách tình trạng khan hiếm cát xây dựng. Đồng thời, kiểm soát giá thành, tránh tình trạng đầu cơ, ép giá trên thị trường vật liệu xây dựng. Việc thiếu hụt vật liệu xây dựng, cụ thể là cát, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ mà còn tạo áp lực lớn lên ngân sách đầu tư, uy tín nhà thầu, năng lực quản lý điều hành và cả đời sống người dân.
HẢI QUỲNH
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/gia-cat-tang-cao-nhieu-du-an-lao-dao-post313506.html