Giá chanh lao dốc, nông dân 'khóc ròng' vì lỗ nặng

Giá chanh lao dốc, nông dân 'khóc ròng' vì lỗ nặng
5 giờ trướcBài gốc
Hái không nổi, bỏ thì chua xót
Tại vùng chuyên canh chanh An Trường, không khí ảm đạm bao trùm khắp các vườn cây trái trĩu quả. Thương lái thưa thớt, người dân ngán ngẩm không buồn thu hoạch. Giá rẻ thê thảm, tiền bán ra không đủ chi phí thuê nhân công, chứ chưa nói đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền điện, nước, vận chuyển…
Chanh đã đến mùi thu hoạch trái đã chín điều, nhưng giá bán quá thấp
Chị Phan Thị Toản, hộ trồng 50 công chanh, ngậm ngùi: “Giá chanh giờ chỉ còn 2.000 – 2.500 đồng/kg, trong khi phân bón một bao đã cả triệu bạc. Tiền công hái mỗi người nửa triệu một ngày. Hái xuống chỉ để… đổ bỏ thì hái làm gì?”
Vườn chanh của chị Toản đã đến thời kỳ thu hoạch, trái chín rụng đầy gốc. Nhưng thay vì nhộn nhịp người hái, chỉ có tiếng gió và tiếng lá khô dưới chân. “Chanh gai góc, hái cực mà bán chẳng bằng bó rau,” chị Toản xót xa.
Vườn chanh của chị Phan Thị Toản đang trong mùa thu hoạch trái chín rụng đầy góc, nhưng không bán được
Không riêng gì chị Toản, hàng chục hộ nông dân trồng chanh ở xã An Trường cũng đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Hái thì lỗ, bỏ thì đi xót ruột. Nhưng phần lớn chọn cách buông tay vì càng đầu tư thêm càng thua lỗ.
Người nông dân “trắng tay” giữa mùa chanh
Anh Nguyễn Quốc Khách, người có gần 40 công đất trồng chanh, chia sẻ với giọng nghẹn ngào: “Chanh tới lứa mà giá rẻ thảm. Trái còn trên cây thì 2.500 đồng/kg, rụng xuống đất chỉ còn 1.000. Trong khi phải trên 7.000 đồng/kg mới mong lời được. Giờ coi như trắng tay.”
Chanh chín vàng nhưng không thấy thương lái đến thu mua
Với hàng trăm hecta chanh cùng vào vụ thu hoạch, xã An Trường rơi vào trạng thái u ám, không khác gì vụ mùa thất bát. Những quả chanh chín vàng từng là niềm tự hào của người nông dân nơi đây, giờ trở thành gánh nặng, chỉ khiến họ thêm đau lòng mỗi lần bước vào vườn.
Nỗi lo lớn hơn là nếu tình trạng này kéo dài, người dân sẽ không còn động lực chăm sóc, đầu tư cho vụ sau, kéo theo nguy cơ bỏ vườn, hoang hóa đất đai.
Vẫn loay hoay với chuyện “được mùa – mất giá”
Theo thống kê, đầu ra của chanh Vĩnh Long hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch sang Campuchia, Trung Quốc. Tuy nhiên, vì thiếu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ, người trồng chanh thường xuyên rơi vào vòng luẩn quẩn: “được mùa thì rớt giá, được giá lại mất mùa”.
Hàng ngàn góc chanh đang trong mùa thu hoạch
Các nhà vườn cho biết, nhiều năm qua họ vẫn mong mỏi một mô hình chuỗi cung ứng ổn định, với sự đồng hành của doanh nghiệp và chính quyền. Thế nhưng, mọi kỳ vọng vẫn chỉ dừng lại ở lời hứa. Người trồng vẫn phải tự mình xoay xở, chấp nhận rủi ro theo biến động thị trường.
Anh Khách chia sẻ thêm: “Chúng tôi cần một đầu ra ổn định, chứ không thể mãi sống kiểu trúng thì ăn, trượt thì nợ như thế này được. Không có gì bảo đảm cho người nông dân cả.”
Hiện chưa có cơ quan nào công bố phương án hỗ trợ hoặc giải cứu chanh tại Vĩnh Long, trong khi giá chanh vẫn ở mức thấp không tưởng. Các hộ dân đang tự xoay sở, cố gắng cầm cự trong hy vọng mong manh về một đợt tăng giá hoặc hỗ trợ từ Nhà nước.
Các hộ dân tự xoay sở trong vụ tranh "đắng"
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để thoát khỏi tình trạng “giá rẻ thảm” mỗi mùa, cần một chiến lược dài hạn gồm quy hoạch lại vùng trồng, phát triển hệ thống thu mua – chế biến – bảo quản sau thu hoạch, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch để tránh phụ thuộc quá mức vào các thị trường không ổn định.
Cây chanh từng là cứu cánh kinh tế của nhiều hộ nông dân An Trường, nhưng nay lại trở thành gánh nặng. Một lời giải căn cơ, dài hạn là điều cấp thiết, không chỉ để giải cứu mùa chanh này, mà còn để giữ lại niềm tin và tương lai cho người trồng chanh ở Vĩnh Long.
CTV Trí Trần/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/gia-chanh-lao-doc-nong-dan-khoc-rong-vi-lo-nang-post1212249.vov