Chị Trần Thị Tân, xã Pom Lót, huyện Điện Biên sinh con tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào đầu tháng 2/2025. Một tháng sau sinh, chị nhận được điện thoại số lạ, tự xưng là "nhân viên phòng dinh dưỡng trên tỉnh” gọi hỏi thăm tình hình sức khỏe, tư vấn nhiều loại thực phẩm chức năng cho cả mẹ và bé.
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
Trong cuộc điện thoại, cô nhân viên hỏi chị Tân đã cho con dùng vitamin D3K2 chưa, nhấn mạnh “đây là bắt buộc cho trẻ sơ sinh để chống tình trạng vàng da, giúp con hấp thụ đủ lượng canxi từ sữa mẹ”. Khi chị Tân nói đang dùng rồi thì đối tượng hỏi tiếp sau sinh có bị tê bì chân tay hay đau đầu không, cần phải duy trì bổ sung sắt, canxi, vitamin tổng hợp. Nghe sản phụ trả lời rằng đang dùng nốt số vitamin mua từ khi bầu, cô "nhân viên" khẳng định sau sinh cần phải dùng loại vitamin riêng, và “hiện nay bên ngoài hiệu thuốc không có bán dòng canxi và vitamin sau sinh bởi vì là dòng nhập khẩu qua kiểm định của Bộ Y tế, chỉ có trên viện hoặc phòng dinh dưỡng bán”. Chị Tân hỏi địa chỉ phòng dinh dưỡng ở đâu thì nhân viên trả lời quanh co: “Mỗi tỉnh có 1 phòng dinh dưỡng của Bộ Y tế. Hồ sơ của con sau 1 tháng chuyển từ viện về phòng để các cô cập nhật sổ tiêm và sổ sức khỏe...", sau đó lảng sang việc tiêm chủng cho trẻ.
Chị Hà Thu Trang, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ cũng nhận được cuộc điện thoại tương tự từ số 0845537757. Đối tượng tự xưng gọi từ trung tâm tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng mẹ và bé sau sinh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chị Trang kể lại: “Người phụ nữ gọi điện hỏi rất nhiều, từ ăn ngủ, đi vệ sinh của con. Sau đó bảo tôi là hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa ổn định, cần bổ sung men vi sinh. Không hỏi tôi có mua hay không, họ bảo luôn sẽ ship men về địa chỉ nhà cho tôi, men do các bác sĩ kê, được trợ giá theo bảo hiểm y tế của con là 380.000 đồng. Tôi hỏi là dòng men gì chỉ trả lời là men vi sinh 10 chủng mà không nói rõ nhãn hiệu. Khi tôi bảo cho tên men để tìm mua cho tiện thì họ cúp máy”.
Phụ nữ mang thai xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa được tuyên truyền, tư vấn dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe khi mang thai và sau sinh.
Trao đổi với phóng viên, TS. BS Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định: “Bệnh viện không có trung tâm tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng mẹ và bé sau sinh, không thành lập bất cứ bộ phận nào, hay liên kết với bên thứ 3 nào thực hiện tư vấn, bán thuốc, thực phẩm chức năng và cung cấp các dịch vụ sau sinh cho bệnh nhân sau khi ra viện”.
Ông nhấn mạnh: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh không tiếp thị, bán hàng qua mạng, qua điện thoại. Bệnh nhân chỉ được tư vấn, cung cấp, chỉ định dùng thuốc khi đến Bệnh viên thăm khám, điều trị tại viện. Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, để không bị kẻ xấu lừa đảo, không sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng”.
Được biết ngành Y tế tỉnh ta cũng không có phòng dinh dưỡng như các đối tượng tự xưng đã thông tin tới sản phụ. Hiện tỉnh chỉ có 1 khoa phụ trách về dinh dưỡng - Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng, thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. ThS. BS Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Phó trưởng Khoa khẳng định: “Chúng tôi không thực hiện liên hệ điện thoại cho người bệnh, sản phụ hay bất kỳ người dân nào để cập nhật hồ sơ, tư vấn, bán thuốc hay sản phẩm chức năng”.
Cán bộ Trạm Y tế xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông truyền thông chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em cho hộ dân trên địa bàn. Ảnh: CTV
ThS. BS Nguyễn Thị Ngọc Oanh cho biết: “Trẻ sơ sinh không có khuyến cáo bổ sung bất kì sản phẩm gì. Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Phụ nữ đang cho con bú khuyến nghị bổ sung viên đa vi chất hàng ngày (với hàm lượng các vi chất theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới) và sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng tại cộng đồng”. Khẳng định của đối tượng lừa đảo rằng vitamin D3K2 là “bắt buộc cho trẻ sơ sinh” và “chỉ có trên viện hoặc phòng dinh dưỡng có dòng canxi và vitamin sau sinh” là không có cơ sở và không đúng sự thật.
Có thể thấy đây là hành vi giả mạo và lợi dụng hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngành Y tế để lừa đảo, trục lợi cá nhân. Sản phẩm các đối tượng bán không được đảm bảo về xuất xứ, chất lượng. Người dân không nên sử dụng, cho trẻ nhỏ sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng khi chưa có đơn thuốc hay tư vấn của bác sỹ. Đặc biệt, cần cẩn trọng trước thông tin tư vấn qua mạng xã hội hoặc điện thoại, tránh những nguy cơ đáng tiếc xảy ra khi sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền