Lừa đảo chiếm đoạt tiền
Sau một hồi tìm kiếm đơn hàng, chị HPL, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) mới ngã ngửa rằng mình đã bị lừa. Chị HPL. kể, công việc chị rất bận rộn, đặc biệt là dịp cuối năm nên chị thường lựa chọn hình thức mua hàng trên mạng. Ngày 14-12 vừa qua, chị nhận được cuộc gọi từ số máy 0996454106 tự xưng là shipper báo chị có đơn hàng quần áo thời trang, tổng trị giá là 780 nghìn đồng. Khác với mọi đơn hàng được giao về địa chỉ cơ quan, lần này đơn lại được giao về địa chỉ nhà riêng. Theo lời chị L, lúc đối tượng gọi điện chị đang giải quyết công việc nên chị đồng ý với đề xuất của “shipper” là để vào nhà chị rồi chuyển số tài khoản để chị chuyển tiền. Khoảng 5 phút sau, đối tượng gọi lại hối thúc chị trả tiền để nhấp “lệnh” giao hàng thành công. Tin theo lời của đối tượng, chị L. không ngần ngại chuyển tiền vào số tài khoản 06555…Tuy nhiên khi về nhà, chị L. hỏi người thân và tìm kiếm đơn hàng để kiểm tra thì mới hay không có đơn hàng nào cả. Chị L. lập tức bấm máy theo số máy đã gọi cho chị lúc này chỉ còn là tổng đài trả lời “Thuê bao quý khách không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau!” và những lần tiếp theo thì chỉ còn những tín hiệu tít tít...
Ảnh minh họa.
Anh NQC, xã Lang Quán (Yên Sơn) vẫn chưa thể tin mình mất 80 triệu một cách dễ dàng đến vậy. Theo trình báo của anh C. với cơ quan Công an, khoảng tháng 11, anh nhận được 1 cuộc gọi từ đối tượng lạ nói anh có đơn hàng là thiết bị máy. Do không ở nhà, anh C. đề nghị sẽ nhận hàng vào thời điểm thích hợp, tuy nhiên “shipper” lại đề xuất gửi hàng lại và cung cấp số tài khoản cho anh để chuyển tiền. Cứ nghĩ mọi chuyện sẽ không có gì xảy ra, khi “shipper” gửi số tài khoản, anh C cũng chuyển tiền mà không mảy may suy nghĩ. Chỉ đến khi về nhà tìm hàng, kiểm tra, anh mới hay rằng anh đã bị lừa, hoàn toàn không có hàng, số điện thoại liên lạc với anh C. lúc trước cũng đã tắt máy không thể liên lạc được.
Không chỉ giả danh shipper để lừa đảo, trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và một số khu vực lân cận đã xuất hiện tình trạng, một số đối tượng lợi dụng sự sơ hở của các chủ cửa hàng, cửa hiệu lén lút dán mã quét đè lên mã quét của chủ cửa hàng để chiếm đoạt tiền. Chị Minh Anh chủ tiệm thời trang trên đường Bình Thuận vẫn chưa thể tin mình lại bị qua mặt đến như vậy. Theo lời chị Minh Anh, để tiện lợi cho khách hàng khi thanh toán chị để mã quét ngay trên kệ quần áo, không hiểu từ lúc nào mã quét của chị đã bị đối tượng xấu dán đè một mã quét khác lên. Rất may khách hàng khi thanh toán đã hỏi chị về chủ tài khoản, lúc đó chị mới hay rằng chị và nhân viên đã bị đối tượng xấu qua mặt.
Cảnh giác với tội phạm công nghệ
Đại úy Nguyễn Văn Trường, Đội Phòng chống tội phạm, sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Không riêng gì tỉnh ta, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đang rộ lên thủ đoạn lừa đảo tinh vi này và không ít người đã trở thành “con mồi”. Lợi dụng nhu cầu của người dân mua bán trên thị trường thương mại điện tử gia tăng, các đối tượng xấu đã xâm nhập, đánh cắp các thông tin, đồng thời lợi dụng sự sơ hở của khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc giả danh shipper để gọi điện giao hàng, chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp. Các đối tượng đều có chung hành vi chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (giờ hành chính) để gọi điện. Khi không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ nói rằng đã gửi hàng cho người quen, hàng xóm, bạn bè… sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng. Theo Đại úy Trường, số tiền các nạn nhân bị mất thường không nhiều, mỗi lần giao dịch khoảng vài trăm nghìn đồng, hoặc 1 - 2 triệu đồng, đơn vị cũng đã nắm được thông tin có trường hợp bị lừa 80 triệu đồng. Tuy nhiên vì tâm lý ngại, xấu hổ, sợ bị người thân biết hoặc phiền phức khi trình báo cơ quan Công an nên khi bị lừa thường các nạn nhân tặc lưỡi cho qua hoặc tự an ủi rằng mình đen hay của đi thay người nên hầu hết “giữ kín” dẫn đến những khó khăn cho công tác điều tra và cũng khiến cho những đối tượng lừa đảo này ngày càng gia tăng và số tiền chiếm đoạt cũng không hề nhỏ.
Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lừa đảo giả danh shipper, lực lượng Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác: Không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản, thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào để tránh sập bẫy.
Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng; không chuyển khoản khi chưa nhìn thấy sản phẩm. Khi bị lừa đảo hoặc phát hiện vụ việc có dấu hiệu lừa đảo bằng thủ đoạn trên người dân cần báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất báo qua ứng dụng VNeID.
Bài, ảnh: Đoàn Thư