Giá đất nền nhiều địa phương tăng cao trước thời điểm sáp nhập

Giá đất nền nhiều địa phương tăng cao trước thời điểm sáp nhập
5 giờ trướcBài gốc
Giá đất tăng theo tin sáp nhập tỉnh có yếu tố đầu cơ
Trong báo cáo thị trường quý I, Bộ Xây dựng cho biết giá nhà ở và đất nền tại các địa phương có nhiều biến động hơn so với quý trước, chủ yếu do thông tin sáp nhập các tỉnh, thành.
Cụ thể, tại các tỉnh, thành phố được chọn là nơi đặt cơ quan hành chính mới, mặt bằng giá bị đẩy lên cao và lượng giao dịch cũng có xu hướng tăng. Chẳng hạn, ở Bắc Giang, giá đất tại một số khu vực thuộc TP Bắc Giang đã tăng trên 20% so với thời điểm cuối năm 2024.
Hay tại Phú Thọ, ở một số khu dân cư, thậm chí các khu đô thị bị bỏ hoang nhiều năm thuộc khu vực Vân Phú, Trưng Vương, Thọ Sơn, Thanh Miếu, Gia Cẩm, giá rao bán đất cũng tăng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại Hải Phòng, giá các lô đất tại Kiến Thụy, An Đồng, Thủy Nguyên bị đẩy tăng 15-20% so với cuối năm 2024.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định sự tăng trưởng về giá và lượng giao dịch tại các khu vực này có yếu tố đầu cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường. Báo cáo của Bộ cũng cho biết cơ quan chức năng tại các địa phương đã phải cảnh báo tình trạng trên, đồng thời tăng cường kiểm soát, quản lý thị trường.
Đất nền các địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng tăng giá mạnh trước thời điểm sáp nhập tỉnh. ẢNh BBG.
Theo dữ liệu trực tuyến quý I/2025 của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản tăng mạnh tại các tỉnh có sự tương đồng/bổ trợ về diện tích tự nhiên, quy mô dân số. Đơn cử, lượt tìm kiếm nhà đất Hà Nam tăng 30%, lượt tìm kiếm nhà đất Ninh Bình tăng 90% so với tháng trước (khi chưa có thông tin sáp nhập). Tương tự, lượt tìm kiếm bất động sản Đà Nẵng tăng 39%, Quảng Nam tăng 96%…
Đáng chú ý, các tỉnh thành tương đồng về quy mô, bổ trợ về kinh tế công nghiệp có mức độ quan tâm tăng nổi bật. Chẳng hạn, lượt tìm kiếm nhà đất Bắc Ninh tăng 43%, Bắc Giang tăng 83%; Quảng Bình tăng 45%, Quảng Trị tăng 8%...
Trước đó, báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra tình trạng tương tự. Nền tảng môi giới bất động sản Batdongsan.com.vn cho biết trong quý I, đặc biệt khi xuất hiện các tin đồn đầu tiên về sáp nhập tỉnh, thành phố, giá bất động sản đã tăng cục bộ ở một số khu vực, có nơi tăng giá 20-30% và bằng đỉnh cũ thiết lập cách đây 3 năm.
Cẩn trọng với giá đất tăng theo sáp nhập tỉnh
Theo thông tin từ Hội Môi giới bất động sản (VARS), tại các địa phương trên cả nước, chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh thành, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%.
Như Bắc Giang, ngay từ đầu năm 2025, đất nền địa phương này đã sôi động trở lại sau một thời gian rơi vào trầm lắng. Nguyên nhân khiến thị trường ghi nhận giao dịch, giá tăng là từ thông tin sáp nhập tỉnh thành.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn với các môi giới địa phương, tốc độ tăng giá của đất nền Bắc Giang đạt khoảng 10-15% so với cuối năm ngoái. Một số nơi có mức tăng tốt hơn, đạt khoảng 20%. Tùy từng khu vực, lượng giao dịch cũng tăng từ 20-40% so với cách đây nửa năm.
Cụ thể, đất nền thành phố Bắc Giang ghi nhận sự đi lên về giá bán ở nhiều khu vực. Trong đó, đất nền khu Tôn Đức Thắng, gần Big C thành phố, giá bán đã tăng từ 73-77 triệu đồng/m2 lên mức 84-90 triệu đồng/m2. Đất nền ở Tân Mỹ, khu vực gần chợ Mía, giá đất được chào bán dao động từ 65-70 triệu đồng/m2, tăng 15% so với tháng 12/2024. Ở những vị trí kém đẹp hơn, cũng thuộc khu vực thành phố, như Đồng Sơn, trong biên độ nửa năm, giá đất tăng từ 27-30 triệu đồng/m2 lên mức 31-36 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Thân Nhân Trung thuộc phường Mỹ Độ cũng tăng giá từ 65-68 triệu đồng/m2 lên mức 72-78 triệu đồng/m2...
Đất nền thuộc huyện Việt Yên, đất gần khu công nghiệp Vân Châu, có vị trí mặt tiền đường kinh doanh, cũng đã tăng từ 40-43 triệu đồng/m2 lên mức 45-52 triệu đồng/m2. Đất ở Quang Châu cũng tăng từ khoảng giá 30 triệu đồng/m2 lên mức 34-37 triệu đồng/m2...
Hay như Phú Thọ, thời điểm tháng 3/2025, thị trường đất nền tại TP Việt Trì chứng kiến làn sóng tăng giá mạnh, đặc biệt tại một số khu vực ven đô. Nguyên nhân bởi thông tin sáp nhập địa giới hành chính các tỉnh. Trước diễn biến này, chính quyền địa phương đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đầu tư theo phong trào, tiềm ẩn rủi ro lớn cho các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Tại khu đô thị Bến Gót (phường Thọ Sơn), mỗi ngày có hàng chục môi giới bất động sản đổ về để thực hiện các giao dịch mua bán, giá tăng theo ngày. Đầu năm 2025, những ô đất có diện tích 90 m2 giá khoảng 1,5 tỷ đồng, sau được các "cò" hét giá lên 2,05 tỷ (tăng hơn 30%); ô đất 105 m2 giá 1,65 tỷ hiện tại đã tăng lên 2,5 tỷ (tăng hơn 50%).
Tại một số khu vực khác thuộc Phú Thọ, cách trung tâm thành phố Việt Trì 5-7 km, giá đất nền cũng ghi nhận sự sôi động so với thời điểm trước Tết. Theo đó, các ô đất có diện tích từ 80 m2 trở lên đã tăng giá 20-30%. Đến tháng 3, mức giá dao động 2-3 tỷ đồng mỗi lô, tùy thuộc vào vị trí và diện tích...
Tương tự, tại TP Hải Phòng, nhiều khu vực bỗng tấp nập nhiều "cò đất" vào hỏi mua bán và giá tăng từng ngày. Đơn cử, mảnh đất 90 m2 tại An Đồng, An Dương tăng lên 27 triệu đồng/m2 trong khi trước Tết chỉ khoảng 22-24 triệu đồng/m2. Nhiều môi giới tung tin "sau khi sáp nhập hai tỉnh, giá đất còn tăng "chóng mặt"...
Khách hàng xem đất tại khu đất đấu giá ở Hưng Yên. Ảnh Đông Bắc.
Trên Báo Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS khẳng định, phần lớn các đợt tăng giá này đều mang tính đầu cơ. Bởi lẽ, kể cả khi có sự thay đổi về mặt hành chính liên quan quyết định sáp nhập, thì cũng chưa chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển vượt trội tại khu vực, ít nhất là trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh giá bất động sản đang bị đẩy lên cao so với thu nhập của phần đông người dân trong thời gian qua.
VARS cho rằng, quyết định vội vàng khi chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin sẽ khiến nhà đầu tư đối diện nhiều rủi ro. Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, không đủ lực trụ đến khi giá bất động sản thật sự tăng.
Đơn cử, khi thông tin về một số huyện ngoại thành tại Hà Nội hay TP HCM lên quận được đưa ra, giá đất lập tức tăng phi mã. Tuy nhiên, nhiều khu vực không có sự đầu tư về hạ tầng, thị trường đã nhanh chóng rơi vào tình trạng “bong bóng xì hơi”, giá quay đầu giảm sau khi cơn sốt qua đi.
Theo ông Đính, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Theo đó, việc sáp nhập có thể sẽ hỗ trợ giảm bớt một số thủ tục pháp lý thực hiện dự án, giúp thị trường có thêm nguồn cung, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn mua nhà với mức giá hợp lý hơn.
Ông Đính cảnh báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước cơn sốt ảo. Bởi những cơn sốt đất thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ, trong khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân và người mua để ở thực có nguy cơ mắc kẹt nếu mua với mức giá đã bị đẩy lên quá cao. Trên thực tế, sau mỗi đợt sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư mua vào ở mức giá đã đạt đỉnh phải chịu chôn vốn trong thời gian dài hoặc chấp nhận cắt lỗ với thanh khoản kém.
Theo Nghị định 96 quy định một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8, Nhà nước sẽ thực hiện biện pháp điều tiết thị trường khi chỉ số giá giao dịch tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng. Bộ Xây dựng có trách nhiệm đánh giá biến động thị trường dựa theo chỉ số giá, lượng giao dịch và các chỉ số về kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực khác liên quan bất động sản.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/gia-dat-nen-nhieu-dia-phuong-tang-cao-truoc-thoi-diem-sap-nhap.html