Giá dầu đảo chiều, nhuốm đỏ toàn sàn

Giá dầu đảo chiều, nhuốm đỏ toàn sàn
6 giờ trướcBài gốc
Ghi nhận xu hướng giảm
Ghi nhận trên Oilprice lúc 4h30 ngày 17/2/2025 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 70,57 USD/thùng, giảm 0,77% (tương đương giảm 0,55 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 74,64 USD/thùng, giảm 0,37% (tương đương giảm 0,28 USD/thùng).
Iraq và Kurdistan chấm dứt tranh chấp, nối lại nguồn cung với sản lượng xấp xỉ 400.000 thùng/ngày
Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu tăng 2 phiên và lập hat-trick giảm ở các phiên còn lại. Giá dầu đã kết thúc tuần với dầu Brent tăng 0,11%, chấm dứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp; dầu WTI giảm khoảng 0,37%, kéo dài đà giảm tuần.
Tuy nhiên, tình thế đột ngột thay đổi, tính đến 2 giờ 30 phút ngày 18/2, giá dầu WTI ở mức 71,38 USD/thùng, tăng 0,9%. Trong khi đó giá dầu thô Brent tăng 0,6% lên mức 75,22 USD/thùng. Giá dầu có dấu hiệu đã tăng nhẹ sau khi xảy ra một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào trạm bơm đường ống Kropotkinskaya ở vùng Krasnodar phía nam của Nga, làm giảm lượng dầu chảy từ Kazakhstan đến các thị trường thế giới. Dù vậy các chuyên gia vẫn tỏ ra khá lạc quan bởi nhiều yếu tố địa chính trị kìm hãm đà tăng trưởng của giá dầu thế giới.
Cuộc gặp gỡ khiến cả thế giới nín thở
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho các quan chức Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bày tỏ mong muốn hòa bình trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với ông Trump. Thậm chí, vào ngày 18/2, các nhà ngoại giao cấp cao từ Mỹ và Nga đã gặp nhau tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để thảo luận về việc khôi phục quan hệ và đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Tại đây, Mỹ và Nga đã thống nhất nhiều nguyên tắc được coi là tiền đề quan trọng để chấm dứt chiến tranh tại Ukraine, cũng như hợp tác chính trị - kinh tế hậu chiến tranh.
Triển vọng chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine giúp làm giảm bớt rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu. Nếu Nga được phương Tây dỡ các biện pháp trừng phạt trong trường hợp các bên đạt một thỏa thuận hòa bình, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh.
Ngân hàng Bank of America cho biết: “Nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, chúng tôi tin rằng giá chuẩn Brent có thể giảm từ 5 đến 10 USD một thùng nếu các thùng dầu của Nga đột nhiên không cần phải đi một chặng đường dài đến Ấn Độ hoặc Trung Quốc, và nguồn cung đột nhiên tăng lên”.
Nhà đầu cơ méo mặt do chiến tranh thương mại
Đợt tăng giá dầu vào tháng 1 đã nhường chỗ cho đợt bán tháo vào tháng 2 khi thị trường bắt đầu định giá rủi ro chiến tranh thương mại có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá dầu đã tăng vọt vào tháng 1 sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden áp đặt lệnh trừng phạt cuối nhiệm kỳ đối với các mạng lưới thương mại dầu mỏ của Nga lệnh trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay. Các nhà quản lý tiền tệ đổ xô vào các hợp đồng tương lai và quyền chọn dầu thô tại một trong những đợt tăng giá mạnh nhất trên thị trường. Các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý danh mục đầu tư khác cũng được khuyến khích đặt cược tăng giá vào dầu thô vì lượng dầu thô thương mại và sản phẩm dầu liên tục giảm trong các nền kinh tế phát triển của OECD.
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ rơi vào hỗn loạn bởi những chính sách thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump. Những lời đe dọa và những chính sách thuế quan thẳng tay của ông Trump với các đối tác lớn đã dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, khiến tâm lý thị trường trở lại trạng thái thận trọng. Tính đến 11/2, dữ liệu từ các sàn giao dịch cho thấy các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ đã chuyển hướng tích lũy từ mua sang bán, ghi nhận giao dịch nhiều nhất là WTI và Brent. Điều này đồng nghĩa với việc vị thế mua ròng trong hợp đồng tương lai của 2 loại dầu này đang giảm đáng kể - yếu tố then chốt khiến giá trị của chúng tụt hạng chóng mặt.
Nguồn cung dầu thế giới đang được bổ sung mạnh mẽ
Iraq và Kurdistan đang trên đà khôi phục dòng chảy và xuất khẩu dầu từ khu vực bán tự trị Iraq vào cuối tháng 3 sắp tới. Đây cũng được đánh giá là một trong những yếu tố khiến thị trường dầu thế giới chịu cảnh nhuốm đỏ rõ rệt.
Việc khôi phục dòng chảy xuất khẩu của Kurdistan được dự kiến sẽ bổ sung thêm cho thị trường khoảng 400.000 thùng mỗi ngày. Mặc dù vẫn chưa rõ bao nhiêu trong số này sẽ được phân bổ cho thị trường quốc tế và bao nhiêu sẽ được giữ lại để tiêu thụ trong nước tại Iraq nhưng đây vẫn là một nguồn cung có sức ảnh hưởng đến giá dầu thế giới.
Các tín hiệu tiêu cực ngày càng rõ rệt đối với dầu thô đã khiến OPEC+ buộc phải họp bàn để đưa ra những kế hoạch mới bổ sung nguồn cung vào tháng 4, mặc dù tổ chức này vừa thực hiện nới lỏng việc cắt giảm sản lượng từ quý 2/2025. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá đây là hành động nhanh chóng và hết sức cấp thiết của OPEC+ để phản ánh kịp thời những bất ổn của thị trường, cũng như tạo ra sự cân bằng cần thiết.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tâm lý thị trường và mức tiêu thụ của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc. Nếu nhu cầu về dầu tại các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn ở mức mạnh, sản lượng dầu được bổ sung sẽ không gây áp lực quá lớn lên giá cả. Tuy nhiên, nếu nhu cầu giảm, cộng thêm thị trường có tâm lý được xóa bỏ nghi ngại về sự gián đoạn nguồn cung sẽ dễ dẫn đến việc giá dầu thế giới bị ép xuống giới hạn không ai ngờ tới.
Tú Nguyễn
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/gia-dau-dao-chieu-nhuom-do-toan-san-i759994/