Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó các nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng những tác động tiêu cực từ các chính sách thuế quan của Mỹ có thể sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,70 USD (2,5%) xuống còn 66,26 USD/thùng, sau khi tăng 3,2% vào cuối tuần trước. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,60 USD (2,5%) xuống còn 63,08 USD/thùng, sau khi đã tăng 3,54% trong phiên trước.
Ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Onyx Capital Group, nhận định rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran có vẻ khá tích cực. Điều này cho thấy khả năng dầu thô của Iran sẽ không bị loại khỏi thị trường. Ông cũng cho biết thêm thanh khoản trên thị trường ở mức thấp do kỳ nghỉ lễ Phục sinh, điều có thể ảnh hưởng tới biến động giá trên thị trường dầu.
Thị trường cũng bị ảnh hưởng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích Fed. Ông cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể chững lại nếu lãi suất không được cắt giảm ngay lập tức.
Chuyên gia phân tích cấp cao Phil Flynn tại Price Futures Group nhận định rằng tâm lý lo ngại rủi ro do thị trường chứng khoán Phố Wall giảm điểm kéo giá dầu đi xuống.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+ vẫn dự kiến tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày từ tháng 5/2025. Tuy nhiên, mức tăng này có thể bị giảm bớt do một số quốc gia phải cắt giảm sản lượng để bù lại việc trước đó đã vượt hạn ngạch.
Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters vào ngày 17/4 cho thấy các nhà đầu tư tin rằng chính sách thuế quan sẽ gây ra sự suy giảm đáng kể trong nền kinh tế Mỹ năm 2025 và năm 2026. Mỹ là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Trong tuần này, thị trường đang chờ đợi Mỹ công bố một loạt dữ liệu kinh tế, bao gồm chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ sơ bộ tháng 4/2025. Các nhà đầu tư sẽ sử dụng những dữ liệu này để định hướng và đánh giá sức khỏe của nền kinh tế.
Vân Anh (Theo Reuters)