Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Karbala, tỉnh Karbala, Iraq. Ảnh: AFP
Tiếp tục đà giảm ở phiên trước, giá dầu thô thế giới trượt nhẹ trong phiên ngày giao dịch 4/7 sau khi Iran tái khẳng định cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong khi các "ông lớn" trong liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+, dự kiến sẽ thống nhất tăng sản lượng vào cuối tuần này.
Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 49 cent, tương đương 0,71%, xuống còn 68,31 USD/thùng vào lúc 08:31 (giờ GMT), trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 41 cent, tương đương 0,61%, xuống còn 66,59 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ ghi nhận giao dịch thưa thớt hơn trong phiên giao dịch 4/7 do thị trường Mỹ đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7, do đó khối lượng giao dịch thấp hơn bình thường trong phiên giao dịch châu Á.
Bloomberg dẫn lời các quan chức cho biết liên minh OPEC+, đã bắt đầu thảo luận về đợt tăng sản lượng lần thứ tư ở mức 411.000 thùng/ngày cho tháng 8 trước thềm cuộc họp trực tuyến vào cuối tuần này. Con số này gấp ba lần mức dự kiến ban đầu.
Chính sách thương mại toàn cầu của Mỹ cũng là tâm điểm chú ý trên thị trường dầu mỏ, cùng với cổ phiếu ở châu Á giảm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông sẽ bắt đầu gửi thư cho các đối tác thương mại để thiết lập mức thuế quan đơn phương trước thời hạn ngày 9/7. Ông chủ Nhà Trắng cho biết các mức thuế mới này sẽ bắt đầu được áp thuế vào tháng 8.
Giá dầu thô thế giới đã biến động mạnh trong những tuần gần đây, do lo ngại rằng giao tranh giữa Israel và Iran sẽ cản trở nguồn cung. Đỉnh điểm là giá dầu Brent tăng vọt lên trên 81 USD/thùng vào tháng trước. Mặc dù thị trường đã bình tĩnh trở lại, nhưng vẫn còn nhiều quan ngại sâu sắc về các cuộc đàm phán tiềm năng với Iran về chương trình hạt nhân, các cuộc đàm phán thương mại do Mỹ dẫn đầu, cũng như chính sách đang thay đổi của OPEC+.
"Mặc dù bất kỳ bất ngờ nào từ OPEC+ có thể làm giá dầu tăng đột biến tạm thời, nhưng bối cảnh chung hơn - các điều kiện vĩ mô đầy thách thức và sự không chắc chắn về nhu cầu liên quan đến thương mại - có thể hạn chế đà tăng", bà Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Saxo Markets. cho biết. Tuy nhiên, "các tín hiệu nhu cầu yếu đi và nguồn cung tăng lên đang tạo nên một câu chuyện bi quan", bà Chanana lưu ý.
Một số đại biểu cho biết cuộc họp trực tuyến của liên minh OPEC+ đã được đẩy lịch lên sớm hơn, từ Chủ nhật (ngày 6/7) chuyển sang thứ Bảy. Liên minh này sẽ tăng sản lượng cho đến khi thị phần của mình trở lại mức 28% đến 30% và các thị trường dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng dư cung lên tới 600.000 thùng/ngày trong quý này, theo nhà phân tích Henik Fung của Bloomberg Intelligence.
Đối với Iran, Washington có kế hoạch tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân và đặc phái viên Trung Đông Steven Witkoff của Tổng thống Trump sẽ gặp Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tại Oslo vào tuần tới, tờ báo Mỹ Axios đưa tin.
Mỹ hôm 3/7 cũng đã áp đặt các lệnh trừng phát mới nhằm hạn chế hoạt động giao dịch dầu mỏ của Iran, đồng thưòi tiếp tục gây sức ép lên Tehran.
Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Hoàng tử Khalid bin Salman vừa có cuộc gặp với Tổng thống Trump và các quan chức khác tại Nhà Trắng để thảo luận về các nỗ lực giảm leo thang với Iran.
Tổng thống Trump hôm 3/7 cho biết rằng ông sẽ gặp đại diện của Iran "nếu cần thiết".
"Tin tức hôm 3/7 cho thấy Mỹ đang chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran và lời khẳng định rõ ràng của ông Araghchi (Ngoại trưởng Iran - BTV) rằng hợp tác với cơ quan nguyên tử của Liên hợp quốc vẫn chưa bị dừng lại, đã làm giảm đáng kể mối đe dọa về một cuộc xung đột mới", bà Vandana Hari, nhà sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, lập luận.
Đông Phong