Một trạm xăng ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi lực bán mạnh diễn ra trên thị trường năng lượng trước phản ứng tích cực về triển vọng thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và EU thì nông sản lại có phiên giao dịch trầm lắng. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng tiếp 0,67% lên mức 2.195 điểm
Theo ghi nhận của MXV, sắc xanh áp đảo trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch hôm qua, ngoại trừ khí tự nhiên giảm nhẹ, giá của toàn bộ bốn mặt hàng còn lại trong nhóm đều đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, giá dầu bất ngờ bật tăng khi thị trường phản ứng tích cực trước triển vọng tín thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đi kèm với những lo ngại trước đó về nguồn cung toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent chạm mốc 67,96 USD/thùng, tương ứng với mức tăng 3,2%. Tương tự, mức tăng giá dầu WTI cũng lên tới 3,54%, dừng ở mốc 64,68 USD/thùng. Cả hai mặt hàng tiếp tục ghi nhận mốc giá cao nhất mới kể từ ngày 3/4.
Ngày 17/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Nhà Trắng. Tại cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và EU.
Tổng thống Trump thể hiện sự tự tin rất lớn về khả năng hai bên có thể tiến tới thỏa thuận này. Ông cũng cho biết thêm rằng chính quyền của mình đang hướng tới nhiều thỏa thuận thương mại mới hơn trong tương lai. Trong khi đó, Thủ tướng Meloni cho rằng các cuộc đối thoại cởi mở sẽ giúp tháo gỡ những bất đồng thương mại kéo dài, đồng thời nhấn mạnh cam kết thúc đẩy sự đoàn kết giữa Mỹ và EU
Sự lạc quan từ các phát biểu của lãnh đạo Mỹ và Italy đã góp phần củng cố niềm tin của thị trường vào triển vọng ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, giới đầu tư vẫn thận trọng trước những rủi ro về nguồn cung toàn cầu, trong bối cảnh OPEC+ tiếp tục duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng và các biện pháp trừng phạt mới được áp dụng đối với dầu thô Iran và Venezuela
Theo bản kế hoạch cắt giảm sản lượng mới nhất của OPEC+, 7 quốc gia thành viên gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan và Oman sẽ thực hiện các mức cắt giảm bắt buộc, trong khi Algeria chỉ nhận khuyến nghị cắt giảm không bắt buộc. Đáng chú ý, Iraq và Kazakhstan là hai nước phải thực hiện mức cắt giảm sâu nhất trong nhóm.
Trong khi đó, Iran và Venezuela tiếp tục đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu thô. Trong khi Mỹ và Venezuela vẫn chưa có động thái mới nào nhằm hạ nhiệt căng thẳng; thì vòng đàm phán thứ hai giữa Mỹ và Iran sẽ chuẩn bị diễn ra vào cuối tuần này tại thủ đô Rome, Italia, với hi vọng về những tiến triển mới hướng tới sự đồng thuận từ cả hai phía, đặc biệt là về chương trình hạt nhân của Tehran.
Trên thị trường nông sản, mặt hàng đậu tương kết thúc phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh trong không khí ảm đạm và khối lượng giao dịch thấp. Giá đậu tương mở cửa tăng nhẹ nhưng không duy trì được đà tăng, đảo chiều giảm về cuối phiên khi lực bán chiếm ưu thế.
Trên mặt trận thương mại, các thông tin về thuế quan vẫn xuất hiện đều đặn nhưng chưa đủ sức tạo đột biến lên giá. Mới đây, Tổng thống Trump cho biết đã có cuộc điện đàm “hiệu quả” với Tổng thống Mexico và đạt tiến triển trong đàm phán với Nhật Bản, song chưa công bố chi tiết cụ thể. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, yêu cầu Mỹ ngừng gây sức ép trong các cuộc đàm phán thương mại. Đề xuất thu phí tàu Trung Quốc có thể bị trì hoãn tới giữa tháng 5 để hoàn thiện chi tiết, với khả năng triển khai chính thức vào tháng 11.
Tại Nam Mỹ, nông dân Argentina đã thu hoạch gần 5% diện tích đậu tương, chậm hơn mức trung bình 5 năm nhưng năng suất tốt hơn dự kiến, đạt trung bình 3,9 tấn/ha. Sản lượng đậu tương Argentina được dự báo ở mức 48,6 triệu tấn. Trong khi đó, Hiệp hội Xuất khẩu ngành hạt có dầu Brazil (Abiove) nâng dự báo xuất khẩu đậu tương năm 2025 lên kỷ lục 108,5 triệu tấn, đồng thời hạ tồn kho cuối vụ xuống còn 5,4 triệu tấn, giảm hơn 40% so với ước tính trước đó. Những diễn biến này đã củng cố vị thế của phe bán trên thị trường trong phiên vừa qua.
Ở chiều ngược lại, trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán đậu tương niên vụ 2024 - 2025 của Mỹ hiện ở mức 554.806 tấn, tăng 222% so với tuần trước. Kể từ đầu niên vụ 2024 - 2025 đến nay Mỹ đã xuất khẩu tổng cộng 46,8 triệu tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá các sản phẩm chế biến từ đậu tương biến động trái chiều. Giá dầu đậu tương tăng 0,82% lên mức 1.055 USD/tấn, ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp, chủ yếu nhờ yếu tố kỹ thuật và sự hỗ trợ từ diễn biến tích cực của giá dầu thô và dầu cọ trên thị trường quốc tế.
Ngọc Quỳnh (TTXVN)