Ảnh minh họa: Reuters
Sáng 1/7, giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 64,91 USD/thùng, giảm 0,31% so với tham chiếu; giá Brent dừng lại ở mức 66,58 USD/thùng, giảm 0,24%.
Reuters dẫn nhận định từ chiến lược gia hàng hóa cao cấp của ANZ Daniel Hynes: "Thị trường đang lo ngại OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng với tốc độ nhanh hơn."
Bốn đại biểu từ OPEC+ cho biết nhóm này dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng 8, sau các đợt tăng sản lượng với quy mô tương tự trong các tháng 5, 6 và 7.
Nếu quyết định này được thông qua, tổng mức tăng sản lượng của OPEC+ trong năm nay sẽ lên tới 1,78 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1,5% nhu cầu dầu toàn cầu. OPEC+ dự kiến sẽ họp vào ngày 6/7.
Công ty tài chính toàn cầu Morgan Stanley dự báo hợp đồng tương lai dầu Brent có thể giảm xuống khoảng 60 USD mỗi thùng vào đầu năm tới, với nguồn cung dầu mỏ dồi dào và nguy cơ địa chính trị giảm bớt khi căng thẳng giữa Israel và Iran lắng xuống. Họ dự kiến dư cung 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2026.
Theo trang tin Trading Economics, việc tăng sản lượng của OPEC+ được cho là để trừng phạt các nước thành viên sản xuất vượt hạn mức và cũng là chiến lược của Arab Saudi – quốc gia dẫn đầu OPEC+ – nhằm giành lại thị phần đã mất vào tay Mỹ và các đối thủ khác.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất chậm lại tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới – cũng làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi.
Ngoài ra, theo Reuters, sự bất ổn về các mức thuế quan của Mỹ và tác động của chúng đối với tăng trưởng toàn cầu cũng là yếu tố kìm hãm giá dầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo rằng, các quốc gia có thể được thông báo về mức thuế cao hơn khi thời hạn 9/7 đang đến gần, bất chấp các cuộc đàm phán thiện chí vẫn đang diễn ra. Vào ngày này, thuế suất dự kiến sẽ trở lại mức ban đầu, từ 11% đến 50% (trái ngược với mức thuế tạm thời 10% hiện nay) đã được Tổng thống Donlad Trump công bố ngày 2/4.
Lê Hồng Nhung