Mô hình nuôi dê thịt tại Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Dê thịt đang được thương lái thu mua với giá hơi dao động từ 150.000 - 155.000 đồng/kg đối với dê cái, 205.000 - 210.000 đồng đối với dê đực, tăng trên 15.000 đồng/kg so với tháng trước, riêng dê giống con được mua với giá 190.000 - 200.000 đồng/kg. Sau thời gian nuôi khoảng 3 - 4 tháng, người nuôi có lãi trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/con sau khi trừ chi phí con giống cùng thức ăn.
Với ưu điểm là loại vật nuôi ít bị dịch bệnh, thích nghi với điều kiện ở địa bàn khan hiếm nước vào mùa khô, vốn đầu tư để phát triển đàn dê thấp, nhất là tận dụng đồng cỏ và phế phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn, nên dê đang được nuôi nhiều ở các huyện ven biển phía đông tỉnh Đồng Tháp. Thịt dê dễ tiêu thụ và được ưa chuộng ở các nhà hàng, quán ăn nên đầu ra tương đối ổn định.
Mô hình chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ theo hướng bền vững. Theo thống kê, tổng đàn dê của tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng trên 160.000 con, tập trung nhiều ở các xã Gò Công Đông, xã Tân Điền, xã Gia Thuận, xã Tân Phú Đông…
Ông Nguyễn Tuấn Duy, Chủ tịch UBND xã Gò Công Đông, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, mô hình nuôi dê đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân ở địa phương, đặc biệt đối với người dân ở địa bàn các xã ven biển có điều kiện tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. UBND xã tiếp tục chỉ đạo cán bộ nông nghiệp tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân làm chuồng trại, tuyển chọn giống tốt, chất lượng, nhân rộng mô hình nuôi tiên tiến; trong đó, chú trọng đến nuôi dê an toàn sinh học thích ứng biến đổi khí hậu, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường.
Trang trại nuôi dê của ông Đoàn Văn Hồng tại xã Gò Công Đông, tỉnh Đồng Tháp, có quy mô lớn nhất địa phương với tổng đàn trên 150 con dê sinh sản và dê thịt, mỗi năm thu lợi trên 200 triệu đồng. Ông là thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi dê lai thương phẩm xã Gò Công Đông giúp các hộ chăn nuôi dê, liên kết sản xuất, phát triển đàn dê theo hướng chăn nuôi hiện đại, sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Theo ông Hồng, người nuôi dê không phải bỏ công chăm sóc vất vả như những loài khác vì thức ăn của dê rất dễ tìm như lá so đũa, cỏ… Dê nuôi khoảng 3 - 4 tháng là trưởng thành. Dê cái mỗi năm đẻ từ 1 - 2 lần, mỗi lần từ 2 - 3 con với tỷ lệ sống gần như 100%. Dê trưởng thành nặng khoảng 30 kg, bán được giá từ 150.000 - 210.000 đồng/kg trở lên.
Ở xã Gia Thuận, tỉnh Đồng Tháp, hộ ông Trần Bình Tân đang nuôi hơn 30 con dê sinh sản cùng 25 dê con. Theo ông Tân, với giá dê thịt cũng như dê giống tại địa phương đang tăng cao như hiện nay, người chăn nuôi có lợi nhuận cao, yên tâm đầu tư chuồng trại để phát triển đàn dê.
Nhằm hỗ trợ đàn dê phát triển đạt hiệu quả ở địa bàn khó khăn thuộc các huyện ven biển Gò Công, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, khả năng ứng dụng hiệu quả cao tại địa phương trên lĩnh vực chăn nuôi dê.
Cụ thể như dự án “Gieo tinh nhân tạo trên dê”, dự án "Ứng dụng mô hình cải tạo giống dê địa phương”; mô hình “Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương;…tại các địa bàn có nghề nuôi dê phát triển. Ngoài ra, đơn vị còn ứng dụng, chuyển giao mô hình nuôi dê trên đệm lót sinh học, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, nhằm bảo vệ đàn dê trước dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Tháp đã triển khai thực hiện tiêm phòng miễn phí vaccine lở mồm lở móng cho đàn dê hiện có trong dân. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho dê như: xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, chọn con giống chất lượng cao, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho dê để giảm chi phí trong chăn nuôi…
Hữu Chí (TTXVN)