Giá điện tăng 4,8%, doanh nghiệp đau đầu lo chi phí

Giá điện tăng 4,8%, doanh nghiệp đau đầu lo chi phí
7 giờ trướcBài gốc
Theo bà Phạm Mai Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Great Market Global Việt Nam (Hải Phòng), doanh nghiệp của bà hiện có nhiều nhà máy tại các địa phương như: Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nam Định, sản xuất các sản phẩm sợi spandex, tất, sợi nhuộm, sản phẩm dệt kim không đường may…và hơn 10.000 công nhân.
Với 8 nhà máy sản xuất liên tục, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện rất lớn. "Trung bình mỗi tháng, công ty phải chi gần 2 tỷ đồng tiền điện. Nay giá điện lại tăng thêm 4,8%, ước tính mỗi tháng doanh nghiệp tốn thêm cả trăm triệu đồng. Bây giờ chi phí nào cũng rất quan trọng, bất cứ khoản nào tăng lên đều sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp. Ngoài ra, mỗi công đoạn chỉ cần tăng 0,1% là đã đủ khiến giá đầu ra của sản phẩm phải tăng lên, trong khi hàng Việt Nam vốn đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ khác nên việc tăng giá là tối kỵ”, bà Phương nói.
Giá điện tăng 4,8% từ ngày 10/5 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và túi tiền của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
Tương tự, bà Phạm Thị Nhâm, lãnh đạo một công ty thực phẩm lớn tại Hà Nội cũng cho biết, mấy ngày nay ban Giám đốc họp liên tục để lên kế hoạch đối phó với việc giá điện tăng. Mọi khoản chi hàng tháng đều được thống kê cụ thể, từ đó khoản nào không cần thiết sẽ bị giảm bớt, thậm chí cắt luôn, để dành chi phí trả tiền điện tăng.
"Trung bình mỗi ngày doanh nghiệp cung cấp bữa ăn cho hơn 200 trường học và khu công nghiệp ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Hưng Yên. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng có một xưởng sơ chế rộng hàng nghìn m², với kho lạnh bảo quản hàng trăm tấn thực phẩm. Khi giá điện chưa tăng, mỗi tháng doanh nghiệp đã phải trả khoảng 1,4 tỷ đồng tiền điện. Còn bây giờ khi giá điện tăng 4,8%, cộng với số điện tính theo lũy kế, chi phí tiền điện có thể đội thêm cả trăm triệu đồng/tháng. Đây là số tiền lớn, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Nhâm nói.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May 10 - bày tỏ quan điểm: Việc tăng giá điện là có thể hiểu được vì xã hội, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ khó khăn với ngành điện. Tuy nhiên, mọi điều chỉnh cần phải được tính toán kỹ lưỡng về tác động đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, các bộ ngành, EVN cần có sự tính toán dài hơi.
"Nếu cứ 3 tháng tăng giá điện một lần sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vì sẽ không thể chủ động tính toán giá thành cho một sản phẩm. Trong khi đó, việc đàm phán giá với đối tác thì cần sự ổn định và chủ động. Doanh nghiệp cũng không thể nâng giá sản phẩm cao lên để đề phòng giá điện tăng sau 3 tháng. Vì như thế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa”, ông Giang nói.
Theo ông Vũ Đức Giang, tính cả lần tăng này thì từ 2023 đến nay, giá điện đã tăng tổng cộng 17%. Với ngành dệt, nhuộm, chi phí đầu vào của điện chiếm 9-12% giá thành sản phẩm. Còn với ngành may, điện chiếm hơn 1,8%. Vì thế, việc tăng giá điện sẽ góp phần tăng giá thành hàng hóa, trong khi hàng Việt Nam vốn đã yếu thế so với các nước khác về công nghệ và nguồn nhân lực.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cũng cho rằng việc tăng giá điện liên tục trong 3 năm qua khiến ngành thép nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những nhà máy sử dụng công nghệ lò điện có nhu cầu sử dụng nhiều. “Tùy theo mỗi đơn vị, nhà máy sử dụng công nghệ gì, nhưng mức tiêu thụ điện chiếm từ 5-8% giá thành sản phẩm. Việc tăng giá điện ở mức 4,8% như vừa qua sẽ khiến giá thép tăng từ 3-5 USD/tấn, tương đương với 50.000 - 135.000 đồng/tấn.
Gồng mình giữ giá bán, đau đầu tìm giải pháp
Với tâm niệm tăng giá bán chỉ là biện pháp cuối cùng, hầu hết các doanh nghiệp đang cố giữ giá đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời tìm cách để tiết kiệm bớt khoản chi trả tiền điện.
Bà Phương chia sẻ, doanh nghiệp đã chủ động sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, lắp điện áp mái và sử dụng bình năng lượng mặt trời để đun nóng nước phục vụ quá trình nhuộm.
“Chúng tôi cũng dùng đèn Led để tiết kiệm điện, đồng thời sử dụng thiết bị tiết kiệm điện biến tần thông minh để tự điều chỉnh cường độ ánh sáng theo đúng mức sử dụng nhằm không lãng phí điện, sử dụng thiết bị điện cảm ứng để tự ngắt và bật điện khi không có người.”, bà Phương nói.
Tương tự, doanh nghiệp của bà Phạm Thị Nhâm cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà, giúp giảm 3,5% tổng điện năng tiêu thụ hàng tháng. "Sắp tới, chúng tôi sẽ yêu cầu người lao động đi làm sớm hơn vào ca sáng hoặc tận dụng nhiều hơn ca tối để tiết giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm", bà Nhâm nói thêm.
Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Đa khuyến cáo, các doanh nghiệp nên tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp, trong đó sản xuất vào giờ thấp điểm với giá điện là 1.300 đồng/kWh, thấp hơn gần 2/3 so với sản xuất giờ cao điểm vói giá 3.640 đồng/kWh.
“Có những nhà máy hoặc có những khâu thuộc về cấu trúc công nghệ nên không thể thay đổi được, mà chỉ thay đổi giờ sản xuất cho phù hợp. Tuy nhiên về dài hạn, các doanh nghiệp cũng phải áp dụng công nghệ kỹ thuật cao để sử dụng ít năng lượng và tổ chức sản xuất lại cho hợp lý.
Còn về phía EVN, cần phải kéo dài thời gian tăng giá điện lên để các ngành được ổn định và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh, ký kết với đối tác. Bên cạnh đó, khi công bố tăng giá điện cũng cần có độ trễ nhất định chứ không phải cứ ký quyết định hôm trước, hôm sau công bố áp dụng ngay, doanh nghiệp khó xoay xở kịp”, ông Đa đề xuất.
PHẠM DUY
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/gia-dien-tang-4-8-doanh-nghiep-dau-dau-lo-chi-phi-ar942855.html