Tại họp báo chiều 9-5, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm thông báo sẽ chính thức tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,8%, lên mức 2.204,06 đồng/KWh từ hôm nay, 10-5. Đây là lần tăng giá điện thứ 2 liên tục từ cuối năm 2024 đến nay.
Làm tăng CPI 0,09%
Số liệu đánh giá của Cục Thống kê cho thấy việc điều chỉnh giá điện lần này dự kiến làm chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2025 tăng khoảng 0,09%. Trong khi EVN tính toán, mỗi hộ gia đình sẽ phải trả thêm từ 4.350 - 62.150 đồng/tháng. Trong đó, nhóm khách hàng sử dụng điện từ 400 KWh trở lên (chiếm khoảng 13,45% khách hàng sử dụng điện) phải trả nhiều tiền điện nhất với khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng.
Các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hằng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30 KWh/hộ/tháng, khoảng 59.520 đồng/hộ/tháng (chưa tính thuế GTGT). Cùng với đó, hộ chính sách cũng được hỗ trợ tương đương với số lượng điện sử dụng 30 KWh/hộ/tháng nhưng với điều kiện dùng không quá 50 KWh/tháng.
"Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, giúp bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ các đối tượng khó khăn" - EVN đánh giá.
EVN họp báo công bố tăng giá điện 4,8%, áp dụng từ ngày 10-5. Ảnh: LÊ THÚY
Phó Tổng Giám đốc EVN khẳng định về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Đặc biệt, việc tăng giá điện đã được cân nhắc kỹ dựa trên chi phí đầu vào (giá than, khí cho sản xuất điện) và khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp (DN).
Về cơ sở tăng giá điện, ông Võ Quang Lâm cho hay dựa trên cơ sở của các quy định tại Nghị định 72 của Chính phủ ban hành tháng 3-2025, quy định phương pháp tính, thời gian điều chỉnh, biên độ dựa trên chi phí đầu vào cho phép EVN được tăng giá điện 3 tháng/lần dựa trên sự thay đổi của các yếu tố đầu vào của nguồn điện.
Không khỏi lo ngại
Dù EVN khẳng định tác động của việc tăng giá điện là không lớn nhưng trong bối cảnh vật giá leo thang và đang cao điểm nắng nóng, cả người dân lẫn DN đều tỏ ra lo lắng. Chị Minh Vy (45 tuổi), chủ quán cà phê sân vườn tại quận 12, TP HCM, cho biết hiện nay, mỗi tháng, tiền điện tại quán chị đã lên đến 16 triệu đồng. Việc tăng giá điện lần này có thể khiến tiền điện của chị đội thêm khoảng 800.000 đồng.
"Máy lạnh, tủ lạnh, máy pha cà phê đều tiêu tốn điện. Tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của quán, vốn đã rất mỏng. Điều tôi lo hơn là giá nguyên liệu đầu vào cũng sẽ tăng theo điện" - chị Vy chia sẻ. Dù vậy, chị Vy cho biết chưa dám điều chỉnh giá bán vì sợ mất khách.
Không riêng ngành dịch vụ, DN sản xuất cũng chịu sức ép tương tự. Ông Cao Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Thủy sản An Ngọc, cho biết điện chiếm tới 20% chi phí sản xuất do hệ thống kho lạnh, nhà máy đều vận hành liên tục.
"Giá điện tăng kéo theo giá thành sản phẩm tăng, trong khi giá thủy sản đang chịu áp lực cạnh tranh lớn" - ông nói. Để giảm áp lực chi phí điện, công ty ông đang tính đến việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại Công ty TNHH XNK Cửu Long An Giang. Ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng Giám đốc công ty, cho biết mỗi tháng DN chi khoảng 2 tỉ đồng tiền điện. Với đợt điều chỉnh này, chi phí có thể tăng thêm hàng trăm triệu đồng.
"Chúng tôi phải thay đổi cách vận hành nhà máy, từ việc kiểm soát hệ thống chiếu sáng, gắn biến tần cho các motor công suất lớn, đến sử dụng nồi hơi thay điện để giảm tải" - ông Hải chia sẻ.
Một DN cơ khí tại TP HCM cũng đang xem xét đầu tư điện mặt trời để ứng phó lâu dài. "Chúng tôi tiêu thụ 400-500 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Tăng 4,8% nghĩa là phát sinh vài chục triệu đồng, trong khi giá sản phẩm không thể tùy ý điều chỉnh do cạnh tranh quốc tế" - giám đốc công ty nói. Ông cho biết việc tăng giá bất ngờ khiến DN "trở tay không kịp".
Cần lộ trình phù hợp
Theo ông Bùi Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc tăng giá điện của EVN lần này là khách quan, tất yếu nhưng người tiêu dùng vẫn mong muốn tăng giá điện cần có lộ trình, bước đi phù hợp, căn cứ tác động đối với xã hội để xem xét cụ thể thời điểm điều chỉnh. Cùng với đó, "người tiêu dùng phải có tinh thần sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả hơn" - ông Thủy nói.
Mục tiêu tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm năm 2025 EVN đặt ra là 12%, tương đương 33,6 tỉ KWh điện/năm. Theo ông Lâm, dư địa tăng trưởng chủ yếu của điện thương phẩm năm nay dựa vào điện than, điện khí và điện chạy dầu có giá thành cao hơn. Bên cạnh đó, tỉ giá ngoại tệ diễn biến khó lường, tăng cao thời gian qua. Điều này ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, vốn chiếm tỉ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.
Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Bộ Công Thương công bố hồi cuối năm 2024 cho thấy tổng chi phí sản xuất năm 2023 của EVN là hơn 528.600 tỉ đồng, tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng/KWh. Năm 2024, kết quả kinh doanh của EVN hòa vốn nhưng vẫn còn hàng chục ngàn tỉ đồng thua lỗ từ năm 2022, 2023. Khoản lỗ này chưa gồm hơn 18.000 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá của hợp đồng mua bán điện treo trong 5 năm (2019-2023).
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: "Ngành điện luôn bị dòng tiền âm, có thể hiểu đơn giản chính là lỗ. Điều đó có nghĩa nếu không cân đối được dòng tiền sẽ rất khó giúp ngành điện tái sản xuất, tái đầu tư và phát triển bền vững. Việc này cũng đe dọa đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng mà chúng ta đã đề ra".
Theo đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa góp ý cần phải chuyển điều hành giá điện sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện và phải sửa biểu giá điện hiện hành để xử lý những bất cập.
"Tôi nghĩ rằng công thức tính giá điện hiện nay cần phải bỏ chi phí khác đi. Chi phí khác bản chất là chi phí chưa được tính đúng tính đủ mà chúng ta phân bổ dần, ví dụ như chênh lệch tỉ giá. Cho nên công thức tính giá điện theo cơ chế thị trường phải tính lại, ví dụ như chi phí phát, chi phí truyền tải, chi phí bán lẻ, quản lý…" - ông Thỏa nói.
Thách thức cung ứng điện mùa khô
Năm 2025, việc cung ứng điện đối diện với khó khăn là có 2 tháng 6 âm lịch. Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm nhận định miền Bắc là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu sử dụng điện rất cao. Theo đó, EVN phối hợp với các bên liên quan lập kế hoạch chi tiết về cung ứng điện.
"Chúng tôi lập nhóm công tác, xây dựng kế hoạch hằng tuần dựa trên nhu cầu, vận hành, điều hành để bảo đảm cung ứng điện. Tuy nhiên, khó khăn nhất là chi phí năng lượng đầu vào tăng cao nên tập đoàn phải tính toán thời điểm mua khí hóa lỏng phù hợp để tiết giảm chi phí đầu vào cho sản xuất điện" - ông Lâm cho biết.
LÊ THÚY - THANH NHÂN - NGUYỄN HẢI - LÊ TỈNH