Giá điện tăng, người nghèo thuê trọ chật vật vì chủ nhà té nước theo mưa

Giá điện tăng, người nghèo thuê trọ chật vật vì chủ nhà té nước theo mưa
3 giờ trướcBài gốc
Giá điện tăng 4,8%, người thuê trọ bị tăng 15-20%
Ngay sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng/kWh (tăng 4,8%), nhiều chủ nhà cho thuê phòng trọ, chung cư mini đã lập tức thông báo tăng giá điện.
Từ Tuyên Quang lên Hà Nội làm nhân viên văn phòng cho một công ty xuất khẩu lao động được 6 năm, hai vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Nam (27 tuổi) và một con nhỏ 8 tháng chật vật với mức thu nhập hơn chục triệu đồng.
Theo anh Nam, để tiết kiệm chi tiêu, vợ chồng anh chọn một căn phòng trọ hơn 15m2 ở khu vực Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cách chỗ làm 8km với mong muốn phí dịch vụ rẻ hơn khu trung tâm. Nhưng sau khi được chủ trọ thông báo giá điện tăng lên mức 4.500 đồng/kWh, anh nhẩm tính phải trả thêm hơn 20% tiền điện so với trước đây.
Chủ trọ thông báo tăng giá điện lên 4.500 đồng/kWh và giá nước lên 35.000 nghìn đồng/m3 khiến gia đình anh Nam thêm gánh nặng chi tiêu.
Anh Nam cho biết, thời điểm ký hợp đồng, giá điện là 3.200 đồng/kWh, tiền nước 28.000 đồng/m3 và mạng Internet 100.000 đồng/người. Ngoài ra, chi phí điện chung, máy bơm và đổ rác thêm 100.000 đồng/người, thang máy, gửi xe 100.000 đồng/người.
"Gia đình có con nhỏ, lương hai vợ chồng thấp nên khi thuê tôi đã chọn khu vực rẻ và sử dụng điện rất tiết kiệm. Nhưng chủ nhà trọ đã thông báo từ đầu tháng 11 tăng giá điện lên 4.500/kWh, nước lên 35.000 đồng/m3, mọi chi phí cứ thế tăng lên", anh Nam nói.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 11/10, tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Theo đó, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới cho bậc 1 (0-50kWh) lên 1.893 đồng/kWh, bậc 2 (51-100kWh) lên 1.956 đồng/kWh, bậc 3 (101-200kWh) lên 2.271 đồng/kWh, bậc 4 (201-300kWh) lên 2.860 đồng/kWh, bậc 5 (301-400kWh) lên 3.197 đồng/kWh, bậc 6 (401kWh trở lên) lên 3.302 đồng/kWh.
Tương tự, anh Vũ Minh Hiếu quê Thanh Hóa (sinh viên năm 2) thuê trọ tại phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang lo lắng về việc tiền điện tăng lên 5.000 đồng/kWh sẽ khiến mọi chi phí tăng theo, gia tăng gánh nặng tiền bạc cho bố mẹ ở quê.
Theo anh Hiếu, anh thuê nhà trọ ở một ngách nhỏ tại phường Cổ Nhuế giá 1,5 triệu đồng/phòng với giá điện 4.000 đồng/kWh, nước 20.000 đồng/m3, mạng 100.000 đồng/phòng. Tuy nhiên mới đây anh nhận được thông báo từ tháng 11 giá điện tăng thêm 1.000 đồng/kWh so với trước đây, khiến tiền điện anh dùng có thể lên đến 800.000 đồng/tháng.
Anh Hiếu cho biết, sau khi trao đổi với chủ nhà trọ không được, anh gửi đơn phản ánh lên Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội và được UBND phường Cổ Nhuế 2 trả lời rằng: Đối với những hộ dân có nhà trọ cho thuê mà họ không đăng ký kinh doanh, phường không có chế tài để xử phạt và hướng dẫn anh khởi kiện ra tòa án hoặc phản ánh đến Điện lực Bắc Từ Liêm để được giải quyết. "Thực tình, người đi thuê trọ chúng tôi chỉ mong có nơi ở ổn định, giá phải chăng, đúng quy định. Giờ chúng tôi đi kiện, chưa biết mất bao thời gian, chi phí và kết quả thế nào, song khả năng cao là bị đuổi khỏi phòng trọ. Vậy nên phường trả lời vậy, chúng tôi biết phải làm sao?", anh Hiếu băn khoăn.
Thực trạng chủ nhà trọ té nước theo mưa mỗi khi giá điện tăng đã tồn tại từ lâu song không bị xử lý khiến cuộc sống của sinh viên và người lao động nghèo thuê trọ trở nên khó khăn hơn. Nhiều người phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác để có đủ tiền thanh toán tiền điện, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Trục lợi người thu nhập thấp, cần xử lý nghiêm
Trên thực tế, hầu hết người thuê nhà hiện nay đều phải trả từ 3.500 đến 5.000 đồng/kWh, cao hơn nhiều so với quy định. Trong khi mức giá điện tối đa theo quy định hiện tại là 3.302 đồng/kWh.
Chia sẻ với Báo Giao thông, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật đã quy định mức xử phạt đối với hành vi này. Theo Điều 12 Nghị định 134 và các sửa đổi, chủ nhà trọ có thể bị phạt từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng nếu thu tiền điện vượt mức quy định.
Ngoài ra, chủ nhà còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm. Nếu không xác định được cá nhân hay tổ chức để hoàn trả, số tiền chênh lệch sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, EVN điều chỉnh giá điện tăng lên 4,8% chỉ tương đương với tăng từ 100 -200 đồng/kWh, nhưng chủ nhà trọ tăng giá điện lên đến 5.000 đồng/kWh là hành vi vi phạm quy định và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người thuê nhà.
Theo luật sư Tuấn, đa số người thuê trọ, đặc biệt là sinh viên và lao động thu nhập thấp, sẽ phải chịu mức chi phí sinh hoạt tăng cao. Điều này có thể làm giảm mức sống của họ, tạo thêm gánh nặng kinh tế, và có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội.
Các chủ trọ tăng giá điện lên cao gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người thuê nhà, tạo hiệu ứng xấu trong xã hội.
Theo Khoản 15 Nghị định 17 nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh điện lực, quy định mức phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Luật sư Tuấn cho biết thêm, để tránh tình trạng lợi dụng việc tăng giá điện không hợp lý, cần có những biện pháp pháp lý cụ thể. Theo đó, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát và kiểm tra các hộ kinh doanh nhà trọ, đảm bảo việc bán điện cho người thuê trọ tuân thủ đúng quy định pháp luật về giá điện.
Bên cạnh đó, các trường hợp vi phạm giá điện cần được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, để đảm bảo tính công bằng và răn đe đối với các hành vi lợi dụng tình hình tăng giá để trục lợi.
Ngoài ra, cũng cần có các biện pháp tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về chính sách giá điện, cách tính toán và quyền lợi của họ để tránh bị lừa dối hay ép giá.
Anh Hoàng
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/gia-dien-tang-nguoi-ngheo-thue-tro-chat-vat-vi-chu-nha-te-nuoc-theo-mua-192241023125649191.htm