Việc điều chỉnh giá điện là cần thiết để đảm bảo vận hành hệ thống điện nhưng cần đi đôi với các biện pháp ổn định giá cả chung, đảm bảo an sinh xã hội. Người dân và doanh nghiệp trên địa bàn luôn mong muốn tỉnh có những giải pháp lâu dài giúp giảm chi phí sử dụng điện, đồng thời, đảm bảo nguồn cung ứng điện ổn định phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh.
Chính thức từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 4,8%, lên 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Việc giá điện tăng làm dấy lên lo ngại về chi phí sinh hoạt gia đình, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng theo, gây áp lực lớn lên người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Với mức tăng mới, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số tiền điện các hộ gia đình phải trả mỗi tháng sẽ tăng từ 4.550 đồng đến hơn 65.050 đồng tùy vào mức tiêu thụ điện.
Đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, Chính phủ vẫn duy trì mức hỗ trợ tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí.
Tuy nhiên, với nhiều hộ gia đình có mức sử dụng điện năng cao, đặc biệt trong những tháng nắng nóng, tổng chi phí điện vẫn sẽ tăng đáng kể, tạo áp lực lên chi phí sinh hoạt hằng tháng.
Chị Nguyễn Thị Thanh, phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) cho biết: Gia đình có bốn người, mỗi tháng tiền điện dao động khoảng từ 600.000 - 700.000 đồng. Với mức tăng giá mới, dù con số không quá lớn, nhưng cộng với các chi phí khác và sinh hoạt hằng ngày cũng liên tục tăng, khiến cuộc sống trở nên chật vật hơn. Cứ vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao thì giá điện lại điều chỉnh, dẫn tới hóa đơn tiền điện thường tăng vọt.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình, giá điện tăng còn tác động đến nền kinh tế nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. Điện là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng không thể thiếu đối với các ngành công nghiệp, chế biến thực phẩm, vận tải đến sản xuất hàng tiêu dùng. Khi chi phí điện tăng, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán cân đối ngân sách để duy trì hoạt động mà không làm đội giá sản phẩm và dịch vụ.
Giá điện tăng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Đức Chung
Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh và môi trường KGROUP, xã Bình Định (Yên Lạc) là một trong những doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện lớn trên địa bàn tỉnh. Công ty chuyên sản xuất, lắp đặt các hệ thống nồi hơi, thiết bị áp lực, hệ thống điện lạnh công nghiệp cũng như các giải pháp về môi trường.
Trong quá trình vận hành, công ty sử dụng một lượng điện đáng kể để duy trì hoạt động của máy móc và thiết bị sản xuất. Với việc giá điện tăng, doanh nghiệp này đang đối mặt với bài toán cân đối ngân sách nhằm duy trì hiệu suất vận hành mà không làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Theo đại diện của KGROUP, việc tăng giá điện đã tạo ra áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh, buộc công ty phải tính toán lại chi phí sản xuất và tìm kiếm các phương án tiết kiệm năng lượng.
Một trong những giải pháp mà KGROUP đang triển khai là đầu tư vào hệ thống điện mặt trời để giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện lưới. Ngoài ra, công ty cũng đang tối ưu hóa quy trình vận hành, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện và điều chỉnh thời gian sản xuất để hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm.
Việc giá điện tăng là điều không thể tránh khỏi, nhưng các doanh nghiệp cũng cần có biện pháp thích ứng để duy trì hoạt động ổn định. Để giảm bớt gánh nặng chi phí, các doanh nghiệp phải tìm cách điều chỉnh phương thức vận hành, đầu tư vào công nghệ mới và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, để việc chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với mức giá điện mới mà vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Trước tình hình giá điện tăng, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm giải pháp tiết kiệm điện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực. Các gia đình bắt đầu thay thế thiết bị điện công nghệ cũ bằng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, tận dụng ánh sáng tự nhiên thay vì sử dụng đèn, đồng thời, điều chỉnh thói quen sử dụng điện. Về phía doanh nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng phải thay đổi thói quen sử dụng điện để giảm chi phí.
Hiện nay, nhiều người dân mong muốn có sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước nhằm hạn chế tình trạng "hiệu ứng Domino" - nghĩa là việc giá cả hàng hóa, dịch vụ đồng loạt tăng theo sau mỗi đợt điều chỉnh giá điện.
Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ một hàng ăn uống tại thành phố Vĩnh Yên cho biết: Giá nguyên liệu đã có xu hướng tăng nhẹ do các nhà cung cấp cũng chịu ảnh hưởng từ việc tăng chi phí điện. Giá điện tăng thì sử dụng tủ lạnh, quạt, đèn đều chi phí cao hơn...
Để tránh nguy cơ giá cả leo thang, người dân và doanh nghiệp đều mong muốn Nhà nước cần giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp nâng giá hàng hóa một cách vô lý.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, khuyến khích đầu tư vào giải pháp tiết kiệm điện như năng lượng tái tạo nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc sử dụng điện tiết kiệm trong cộng đồng để nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân.
Thành An