Tình yêu rừng nối gót ba thế hệ
Ở thôn Hạ Tiến, xã Đức Thịnh (tỉnh Hà Tĩnh) có một khu rừng cổ thụ nằm ngay trong lòng khu dân cư với tuổi đời hàng trăm năm. Cánh rừng này mang một ý nghĩa đặc biệt, vừa là lá phổi xanh điều hòa không khí, vừa là nơi lưu giữ đa dạng sinh học với nhiều loài cây quý hiếm như Sang, Dổi, Chua Nao, Chò Chỉ,...
Sự hiện diện của những cây cổ thụ này không chỉ mang lại giá trị sinh thái mà còn là một phần di sản văn hóa của địa phương.
Khu rừng cổ thụ nằm giữa khu dân cư thôn Hạ Tiến là lá phổi xanh xủa dân làng. Ảnh: Trọng Tùng
Thực chất, khu rừng nhỏ này là vườn nhà thuộc sở hữu của 6 anh em bà Nguyễn Thị Đào. Ít ai biết, để giữ được cánh rừng luôn tươi tốt, phát triển như hiện nay, suốt 3 thệ hệ của gia đình bà Đào đã tự tay vun trồng, bảo vệ từng gốc cây.
Bà Đào kể, khu rừng cổ thụ này là do ông nội để lại, được các thế hệ luân phiên chăm sóc và bảo vệ suốt gần hai thế kỷ. Từ năm 1970, bà cùng anh em trong họ tiếp tục gìn giữ và phát triển khu vườn như một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Mỗi gốc cây, mảng xanh của khu rừng được tận tay các thế hệ trong gia đình bà Nguyễn Thị Đào chăm sóc, bảo vệ. Ảnh: Trọng Tùng
Điều đáng quý nhất ở gia đình bà Đào không chỉ là công sức bảo vệ rừng, mà là cách họ đã gieo hạt mầm yêu thiên nhiên vào tâm hồn con cháu. Các thế hệ sau này sẽ tiếp tục quán xuyến công việc bảo vệ rừng, từ việc phòng cháy chữa cháy, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến việc trồng dặm, làm giàu thêm hệ thực vật.
“Với tôi, rừng không chỉ là cây cối mà là sự sống, là hơi thở của làng quê”, bà Đào nói và chia sẻ thêm, dù đã có rất nhiều người tìm đến trả giá cao, nhưng gia đình không bán, quyết tâm bảo vệ "báu vật" mà ông cha để lại. Khu vườn không chỉ là không gian xanh mát, trong lành mà còn là nơi lưu giữ ký ức tổ tiên, mang lại cảm giác thư thái cho bất kỳ ai ghé qua.
Hơn cả một cánh rừng - một bài học sống
Khu rừng của gia đình bà Nguyễn Thị Đào không chỉ mang lại giá trị về môi trường, mà còn là một câu chuyện truyền cảm hứng về sự kiên trì, về tình yêu quê hương và ý thức cộng đồng.
Khu rừng lưu giữ đa dạng sinh học với nhiều loài cây quý hiếm như Sang, Dổi, Chua Nao, Chò Chỉ. Ảnh: Trọng Tùng
Gia đình bà đã minh chứng rằng, bảo vệ rừng không nhất thiết phải là những dự án lớn lao, mà có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ bé, từ chính khuôn viên gia đình mình.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Đoàn Thị Phượng, chuyên viên Phòng văn hóa và xã hội, xã Đức Thịnh cho biết, việc làm của gia đình và Đào rất có ý nghĩa. Điều đáng trân quý là mặc dù cuộc sống của các chủ sở hữu vườn cây này còn nhiều khó khăn song cả gia đình vẫn quyết tâm giữ gìn dẫu có nhiều người hỏi mua với giá cao.
Gia đình bà Đào truyền cảm hứng về sự kiên trì, về tình yêu quê hương và ý thức cộng đồng. Ảnh: Trọng Tùng
“Địa phương ghi nhận những việc làm của gia đình bà. Những việc làm đó không những tạo nên một cảnh quan đẹp mà còn tạo ra một “lá phổi xanh” và khu vườn sinh thái phong phú tại địa phương. Để góp phần bảo vệ khu vườn, địa phương đã tuyên truyền tới tận người dân về tầm quan trọng của hệ sinh thái, đồng thời phối hợp với hộ gia đình, thôn xóm thường xuyên bảo vệ, chăm sóc, gìn giữ. Đặc biệt là vào mùa nắng nóng, địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ gia đình tiến hành phát quang, dọn cây bụi và lá khô để phòng sự cố do nắng nóng có thể xảy ra”, bà Phượng nói với phóng viên Báo Công Thương.
Ngôi nhà nhỏ của bà Đào lọt thỏm giữa màu xanh mướt của tán cây cổ thụ. Ảnh: Trọng Tùng
Trong tương lai, để bảo tồn khu vườn, địa phương sẽ phối hợp với các gia đình tuyên truyền về vai trò và tầm quan trọng của khu vườn đồng thời có kế hoạch gìn giữ, bảo vệ để phát huy giá trị của khu vườn đối với môi trường sống, cảnh quan của địa phương.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, câu chuyện về gia đình bà Nguyễn Thị Đào là một lời nhắc nhở ý nghĩa về trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường. Hành động đẹp của gia đình bà không chỉ giữ gìn một khu rừng quý giá mà còn gieo mầm ý thức bảo vệ thiên nhiên cho các thế hệ mai sau.
Trọng Tùng