Gia đình cựu chiến binh

Gia đình cựu chiến binh
13 giờ trướcBài gốc
Cơm nước xong, ông Nam xúc ấm pha trà rồi ngồi ngóng ra cổng. Vợ ông cặm cụi dọn rửa bát đĩa. Lần lượt các con ông lục tục kéo đến. Từ vợ chồng anh cả ở gần nhất đến vợ chồng gái út cuối xóm, ba cặp cả thảy, không thiếu đứa nào. Thấy vậy, bà Nam ngạc nhiên quá. Tự dưng chúng đến đông đủ thế này là sao? Chồng bà bảo ăn cơm sớm nhà có việc? Việc gì nhỉ? Hỏi các con thì chúng đều lắc đầu. Anh cả thì thào: “Con cũng đang định hỏi mẹ đây. Có việc gì đột xuất hả mẹ?”. Bà Nam thần mặt ra rồi cũng lắc đầu.
Minh họa: HIỀN NHÂN.
Bốn bố con ông Nam ngồi ở bàn uống nước giữa nhà. Một bên là ông, bên kia là hai người con trai và người con rể. Anh cả tuổi bốn lăm, anh hai bốn mươi. Bà Nam và cô con gái cùng hai người con dâu ngồi ở giường bên. Họ đang chăm chú nhìn ông Nam. Ông Nam quân phục chỉnh tề. Áo cộc tay sơ vin, quần ka ki bộ đội. Chỉ còn thiếu quân hàm, quân hiệu, mũ giày nữa thì ông đúng là chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự huyện ngày trước. Cả nhà nhìn ông ngạc nhiên lắm. Vừa lúc nãy ông còn quần đùi áo cộc, thế mà giờ đã nghiêm chỉnh chính quy rồi. Thì ra lúc vợ con líu ríu ngoài sân ông đã vội đóng bộ này vào. Trong khi đó, hai người con trai của ông đều quần ngố, áo cộc cả. Thời tiết thế này chả mặc thế cho nó mát. Với lại bố bảo sang hội ý tý việc chứ có phải họp hành, giỗ chạp gì đâu mà phải đóng bộ? Vậy mà “ngài” lại ăn mặc thế kia, chắc là có việc hệ trọng thật rồi?
Mọi người đang thắc mắc về sự lạ của ông Nam thì ông cất tiếng: “Các anh các chị có biết vì sao tối nay bố cho họp gia đình không?”. Nghe chồng hỏi các con vậy, bà Nam vội lên tiếng: “Tôi cũng đang định hỏi ông câu ấy đây. Có chuyện gì mà ông gọi cả chúng nó đến thế?”. Anh cả ngắm bố từ đầu đến chân, lên tiếng: “Nhìn bố hôm nay oách quá. Như là sắp tái ngũ vậy”. Anh hai cũng cười cười nói theo: “Bố đừng dùng điều lệnh với chúng con đấy nhé”. Thấy mình cũng hơi quan trọng hóa vấn đề, ông Nam mỉm cười giải thích: “Sẵn quần áo họp cựu chiến binh chiều nay thì mặc thôi. Cho bõ cái công giặt ấy mà. À, sao chiều nay mấy đứa đi đâu không họp thế?”.
Ông Nam đột ngột bẻ lái câu chuyện. Nghe vậy, các con ông vội trả lời. Người thì bảo bận làm mạ cấy bù diện lúa bị ngập úng. Người thì nói đi họp hội đồng ngũ về không kịp. Cô con gái thì trình bày bận đi tháo nước thoát úng cho thửa ruộng trũng cuối cánh đồng. Ông Nam phẩy tay: “Gì thì gì, người ta đã báo họp thì phải đi họp chứ. Không đi thì cũng phải báo cáo xin nghỉ cho tử tế. Đằng này cấm thấy đứa nào ý kiến gì cả. Các anh các chị làm tôi ngượng quá”. Cả ba anh em cùng ậm ừ giải thích. Hai người con trai nói đã nhờ người báo cáo rồi nên không đi nữa. Cô con gái thì bảo “thấy lúa ngập úng xót quá nên đi cứu lúa trước đã. Với lại, có bố đi họp rồi có gì về bố khắc quán triệt phổ biến”.
“Các anh các chị thế là không được - Ông Nam cấm cẳn - Còn gì là tổ chức nữa? Tôi có nhiệm vụ của tôi, các anh các chị có nhiệm vụ của các anh các chị. Thay thế nào được”. “Thôi được rồi - Bà Nam sốt ruột cắt ngang - Tóm lại là có việc gì mà ông gọi cả vợ chồng chúng nó đến thế?”.
Ông Nam hạ giọng: “Chiều nay, chi hội cựu chiến binh họp sơ kết sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm. Công việc chi hội vừa qua thì mấy đứa biết rồi đấy, bố không phải nói lại nữa”. “Sao bố lại gọi chúng con là đứa? Đồng chí chứ lị!”. Cô út cười cười cắt ngang. Anh hai cũng vào hùa: “Đúng đấy. Báo cáo thủ trưởng bố, đồng chí em con nói đúng đấy”. Bà Nam phì cười: “Lại được mấy đứa chúng mày nữa. Còn trêu ông ấy à? Đúng là bố con nhà lính”.
Ông Nam là thượng tá, nguyên chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự huyện. Ông về nghỉ hưu đã chục năm nay. Thế nhưng ông vẫn giữ tác phong quân đội. Ông duy trì chế độ rèn luyện, ăn uống đâu ra đấy. Thế nên ngoài bảy mươi rồi nhưng trông ông vẫn rất phong độ. Da dẻ đỏ au. Người ông cao ráo, đi đứng nhanh nhẹn, dứt khoát. Với khuôn mặt vuông vức, tiếng nói lại oang oang nên trông ông càng oai phong. Tuy vậy, ông Nam rất hiền.
Nhà ông bốn đời là lính. Bố ông là bộ đội chống Pháp, ông và anh con cả là bộ đội chống Mỹ, con thứ hai tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới sau này. Cô gái út và thằng cháu nội cũng tham gia bộ đội thời bình. Đã vậy, hai con trai của ông lại đều lấy vợ là bộ đội xuất ngũ, gái út thì lấy chồng là lính biên phòng ra quân. Hiện tại, bảy bố con ông gồm gái trai, dâu rể đều là cựu chiến binh. Duy nhất thằng cháu nội (con của người con cả) là còn đang tại ngũ. Chỉ có vợ ông và năm cháu nội ngoại còn nhỏ, đang đi học là không khoác áo lính thôi. Thế nên, gia đình ông là gia đình “cựu chiến binh”, trong đó ông là người có quân hàm cao nhất, chức vụ to nhất.
Về hưu năm trước thì năm sau ông Nam quyết làm nhà, tách hộ cho con trai thứ hai ra ở riêng giống như con cả ông đã làm ngày trước. Ông bảo thế cho chúng tự lập. Có vậy chúng mới chủ động phấn đấu, vun vén, kiến thiết gia đình. Còn hai ông bà ở với nhau, mai kia già yếu thì tính sau.
Vừa nguyên là thủ trưởng trong quân đội, vừa là cha của các cựu chiến binh trong nhà nên ông Nam quyền uy lắm. Các con ông tuy đã yên bề gia thất, ở riêng cả rồi nhưng vẫn nhất nhất nghe lời ông. Được cái mấy bố con ở gần nhau, quanh quanh cùng xóm cả. Thế nên, việc lớn, việc nhỏ họ đều quây quần chụm đầu cùng giải quyết. Nhà nọ hỗ trợ nhà kia, kinh tế phát triển, đời sống khá dần lên. Lớn bé bảo nhau giữ gìn gia phong phép tắc. Các cháu của ông đều học giỏi, chăm ngoan. Cả bốn hộ nhà ông đều đạt danh hiệu “gia đình văn hóa kiểu mẫu”.
“Chiều nay - Ông Nam nói - chi hội cựu chiến binh mình họp triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội, 35 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, rồi 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân nữa. Nhiều việc lắm”.
“Cụ đang triển khai nhiệm vụ đấy”. “Thảo nào cụ đóng bộ oách thế”. “Trật tự nghe xem bố mày nói gì nào?”. Giường bên mấy mẹ con bà Nam thì thào. Thấy vậy, ông Nam đứng hẳn dậy, nói dõng dạc: “Nhiều việc nhưng chung quy lại vẫn là làm cho làng mình sạch đẹp, văn minh thôi. Cựu chiến binh phải gương mẫu đi đầu. Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu mà lị. Có một việc mà chiều nay bàn khá nhiều. Đó là chăm sóc bảo vệ đường hoa, cây xanh ngoài đồng. Cánh đồng mẫu lớn, hai trục chính đã nâng cấp bờ vùng thành đường bê tông rộng bốn mét rồi, trồng cau, trồng hoa, kéo đường điện sáng hai bên rồi. Thế nhưng, cau hoa chả thấy đâu chỉ thấy cỏ dại mọc um tùm lấn át hết. Cả quý mới có một ngày “Chủ nhật xanh” thì sao lại với lũ cỏ? Chi bộ, lãnh đạo thôn đã giao việc này cho cựu chiến binh rồi”.
“Mọi người bàn bạc rôm rả lắm. Có người đề xuất là sẽ thuê khoán hộ. Vẫn danh nghĩa là chi hội nhưng giao cho gia đình nào đó thực hiện”. “Thế có ai nhận chưa bố?”, gái út hỏi với sang. “Mới đầu chẳng có ai nhận cả. Mãi sau rồi… cũng có người nhận”. “Ai vậy hả bố?”. “Là bố… Các con ạ - Ông Nam hạ giọng đáp - Chẳng những bố đứng ra nhận con đường này mà bố còn đề xuất không lấy một đồng nào nữa cơ. Vì thế bố mới gọi các con đến để bàn việc thực hiện”.
Mấy mẹ con bà Nam cùng ồ lên rồi nhao nhao. Giời ạ! Sao bố lại thế cơ chứ? Hơn bảy mươi tuổi rồi ông làm gì được nữa mà nhận? Làng này thiếu gì người, chi hội cựu chiến binh thiếu gì người mà ông nhận để ôm rơm rặm bụng? Mà bố lại là thương binh nữa chứ? Sau chốt lại thế nào hả bố? Nhìn vợ cùng các con một lượt, ông Nam nói: “Chốt lại… vẫn là bố. Thế thôi. Bà và các con không ủng hộ tôi à?”.
Tất cả ngồi thừ ra lặng im. Không khí chùng hẳn xuống. Tiếng con thạch sùng “chậc chậc” kêu trên trần nhà một cách lạc lõng. Uống xong chén trà, ông Nam lại đứng lên tiếp tục nói: “Bố thì bố nghĩ thế này. Cả đời bố gắn bó với quân đội, chinh chiến khắp ngoài Bắc trong Nam. Rồi các con lớn lên cũng vào bộ đội. Lấy vợ lấy chồng cũng là bộ đội nữa. Bốn chục năm quân ngũ, xa nhà, xa làng, bố chưa giúp được gì cho quê hương. Thế nên, bố xung phong nhận chăm sóc con đường này giúp làng. Có thể bố không trực tiếp làm nhưng bố sẽ tiết kiệm lương hưu của bố để thuê ai đó làm cho. Năm sáu năm sau, cau lớn ra hoa kết trái bố sẽ bàn giao lại cho làng. Làng sẽ khoán cho hộ nào đó tiếp tục chăm sóc. Khi đó có nguồn thu rồi chắc sẽ ổn. Việc trồng hoa chỉ là phụ thôi. Sẽ thành nếp mà. Ý định của bố là vậy. Gọi là có chút ít đóng góp với quê hương”.
Ông Nam nói một mạch, giọng ông như dốc bầu tâm sự vậy. Bà Nam ngồi nghe gật gù. Thì ra đó là cái tâm của ông ấy. Ông ấy nghĩ cũng phải. Mình tiết kiệm chi tiêu một chút có sao. Nghĩ vậy, bà lên tiếng: “Bố các con nói phải đấy. Mẹ ủng hộ”.
“Theo con thế này - Anh cả giờ mới mở lời - Không phải thuê khoán ai nữa. Bố cũng không phải bỏ tiền ra nữa. Vợ chồng anh em chúng con sẽ đảm nhận việc này cho”. “Đúng đấy - cô út tiếp lời - Việc trồng và chăm sóc hoa vợ chồng con sẽ đảm nhận”. “Vợ chồng con cũng nhất trí”, chị dâu hai lên tiếng.
Từ nãy đến giờ, ông Nam cứ ngây người nghe các con hiến kế. Không ngờ chúng lại ủng hộ ông đến vậy. Đúng là chất lính có khác. Ông phấn khởi đứng lên: “Tôi cảm ơn bà nhiều. Cả đời bà lo cho tôi yên tâm đánh giặc, giờ tôi về, bà lại ủng hộ tôi đóng góp với quê hương. Bố cảm ơn các con đã ủng hộ. Còn khỏe ngày nào bố sẽ cùng các con chăm lo xây dựng “tiểu đội cựu chiến binh” nhà mình vững mạnh ngày ấy, góp công góp sức với làng. Các con nhất trí chứ?”. “Rõ!”. Anh hai đứng lên dập chân, đứng nghiêm đáp. Tất cả cùng cười vui vẻ.
Ông Nam phấn khởi lắm. Ông đang nghĩ đến dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tới đây, “tiểu đội cựu chiến binh” nhà ông do Thượng tá Võ Văn Nam dẫn đầu đi trên con đường làng xanh - sạch - đẹp, giữa mênh mông cánh đồng ngô đông mướt mát xanh đến nhà văn hóa làng dự lễ mít tinh. Ôi, lúc đó thì… thật tuyệt!
Mãi mãi lòng chúng ta ca bài ca người lính…”. Bất chợt tiếng hát bỗng vang lên. Mọi người cùng nhớ ra và quay cả về màn hình. Tiết mục “Hát mãi khúc quân hành” trong chương trình ca nhạc cũng vừa đến. Thế là cả mấy bố con ông Nam cũng cùng vừa hát vừa vỗ tay theo dàn đồng ca toàn lính trên ti vi. Bà Nam mỉm cười nói một mình: “Đúng là lính có khác. Hợp nhau ghê!”.
Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/gia-dinh-cuu-chien-binh-postid409837.bbg