Gia đình: Điểm tựa yêu thương

Gia đình: Điểm tựa yêu thương
7 giờ trướcBài gốc
Từ năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15-5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình (International Day of Families-IDF). Qua đó, nâng cao nhận thức về gia đình và thúc đẩy các quốc gia trong việc thực hiện chính sách toàn diện về những vấn đề, sự kiện liên quan đến “hạt nhân của xã hội”. Đây cũng là cơ hội đoàn kết, tập hợp các gia đình vào chung một nỗ lực: Xây dựng tiêu chuẩn cuộc sống với chất lượng tốt hơn.
Như vậy, cùng với Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), chúng ta có thêm một ngày nữa để cùng tôn vinh điểm tựa quan trọng bậc nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Nếu không có điểm tựa ấy, không có sự trao truyền thế hệ về đam mê, ý thức gìn giữ những giá trị tốt đẹp… thì khó lòng có những cá nhân tiêu biểu.
Tại Gia Lai, gần đây có thể kể đến sức lan tỏa của một số gia đình “hình mẫu” như: gia đình trí thức của cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai); gia đình “cung thủ” Ksor Lok (thị xã Ayun Pa)…
Có thể nói, truyền thống, văn hóa, nền nếp gia đình đã in đậm vào tâm hồn mỗi con người từ khi còn là một đứa trẻ, quyết định quan niệm, thái độ trước cuộc sống và lựa chọn tương lai.
Ảnh minh họa: Hiển Phạm
Cùng với việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình, Liên hợp quốc đưa ra nhiều chủ đề ý nghĩa, thiết thực qua từng năm như: Yêu thương và chia sẻ; Bình an và hạnh phúc; Đảm bảo cân bằng giữa gia đình và công việc; Gia đình, giáo dục và hạnh phúc; Gia đình và công nghệ mới…
Trong số đó, chủ đề “Gia đình và công nghệ mới” được xem là đáng quan tâm hơn cả, bởi đây luôn là chủ đề “nóng”. Trong nhịp sống hiện đại, hầu như gia đình nào cũng tiếp cận với công nghệ để giao tiếp, làm việc và học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Các công cụ công nghệ mới còn giúp cải thiện kỹ năng nuôi dạy con cái, củng cố mối quan hệ gia đình. Nhưng cùng với đó đã có những cảnh báo ở chiều hướng ngược lại. Có chuyên gia đã phải thốt lên: Đừng để công nghệ “ngắt” kết nối gia đình!
Quả vậy, công nghệ ra đời là để tăng kết nối nhưng cũng làm cho khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình càng lớn hơn. Hình ảnh cả gia đình vào quán ăn, quán cà phê nhưng lại không trò chuyện mà mỗi người 1 chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, chìm đắm vào thế giới riêng của mình chẳng còn xa lạ. Thế giới riêng ấy là mạng xã hội như Facebook, TikTok, các video ngắn, game, các cuộc chat với bạn bè, đồng nghiệp…
Vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các bậc cha mẹ không nên cho trẻ em dưới 5 tuổi dành quá 60 phút mỗi ngày cho các hoạt động thụ động trước màn hình điện thoại thông minh, máy tính hoặc ti vi. Trẻ em dưới 12 tháng tuổi không nên tiếp cận dù chỉ 1 phút trước các thiết bị điện tử. Thay vào đó, các em được khuyến nghị tham gia những hoạt động thể chất hoặc thực hành liên quan đến tương tác trong thế giới thực, chẳng hạn như đọc sách, trò chuyện với bố mẹ, người thân.
Đáng nói, khi ChatGPT ra đời, cùng với những ưu việt không thể chối cãi, công cụ AI này cũng đang đặt các gia đình trước những thách thức khó ngờ. Nhiều người sững sờ khi nghĩ đến viễn cảnh con em mình sẽ tìm thấy một điểm tựa khác, quan trọng hơn cả cha mẹ, đó là ChatGPT. Là bởi công cụ này sẵn sàng hỗ trợ mọi nơi mọi lúc, giải đáp mọi câu hỏi, đưa ra lời khuyên, chia sẻ cảm xúc và tâm trạng… mà không la mắng, đòi hỏi, phán xét, cũng không bắt phải xin lỗi hay cảm ơn.
Lâu dần, sự lệ thuộc vào công cụ này sẽ “giết chết” sự phát triển cảm xúc, gây ra biếng lười về tư duy, khiến kết nối trong gia đình càng thêm lỏng lẻo.
Trước cơ hội rất lớn và nguy cơ cũng rất cao mang lại từ công nghệ mới, đây là lúc các bậc phụ huynh càng phải nhìn lại vai trò của gia đình trong sự hậu thuẫn tối đa đối với sự phát triển của mỗi thành viên. Sự hậu thuẫn ấy không gì khác hơn tình yêu thương vô điều kiện, sự quan tâm chân thành, không khí bình yên, những cuộc trò chuyện chất lượng…
Quan trọng hơn, phụ huynh cần trang bị cho con kỹ năng dùng công nghệ một cách hiểu biết, có kỷ luật, có kiểm soát, để từ đó biết trân trọng niềm vui chân thực từ đời sống thay vì vùi đầu vào “thế giới ảo”.
LAM NGUYÊN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/gia-dinh-diem-tua-yeu-thuong-post323016.html