Concert ngẫu hứng của các nghệ sĩ dù không có khán giả vây quanh
Cày view bằng nồi gang và bếp củi
Tiếp nối cách làm của Anh trai vượt ngàn chông gai, nhà sản xuất Gia đình Haha cố tình làm ngược lối làm truyền hình thực tế hiện nay. Từ chối lối câu view bằng những giành giật căng thẳng, chương trình để năm nghệ sĩ: Jun Phạm, Rhymastic, Bùi Công Nam, Ngọc Thanh Tâm và Duy Khánh cùng nhau sống như những nông dân “xịn”, trải qua 7 ngày 6 đêm tại một vùng quê Việt Nam.
Họ vừa phải thực sự lao động như cày ruộng, bắt cá, chăn vịt, nấu cơm, bán hàng ở chợ phiên... để đổi lấy đồ ăn và chỗ ở; lại vừa phải hóa thân trọn vẹn: Jun Phạm là “ông anh hiền lành” chăm chỉ; Rhymastic vừa ngầu vừa lầy; Duy Khánh đảm nhiệm vai trò “cây hài quốc dân”; Bùi Công Nam mang chất nghệ sĩ đồng quê; Ngọc Thanh Tâm là đại diện cho các “chị đẹp” vừa đằm thắm, vừa quyết đoán.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng, chuyên gia nghiên cứu văn hóa đại chúng (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nhận định: “Gia đình Haha chọn một nhịp điệu chậm rãi, khai thác những chi tiết đời thường một cách có chủ đích. Đây là chiến lược nội dung cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận khán giả hiện nay, sự kết nối cảm xúc đến từ những khoảnh khắc giản đơn, không sắp đặt. Chương trình đặt ra một thông điệp đáng suy ngẫm: Trong thế giới ồn ào, việc cùng sống, cùng lao động, cùng chia sẻ có thể chạm sâu vào cảm xúc người xem”.
Một trong những điểm sáng khiến Gia đình Haha được yêu mến, theo bà Thu Hằng, chính là cách chương trình để nghệ sĩ... thôi làm nghệ sĩ. Bỏ lớp trang điểm cầu kỳ, cởi bỏ phục trang hào nhoáng, các thành viên phải tự thích nghi với nếp sinh hoạt vùng quê, ngủ chiếu tre, tắm giếng, ăn cơm rau và làm việc như bất kỳ người nông dân nào khác. Đây chính là yếu tố gỡ bỏ lớp hào quang và tạo ra chất xúc tác đồng cảm mạnh mẽ với khán giả đại chúng.
Chị Vũ Hương Giang (38 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) chia sẻ: “Lâu lắm rồi tôi mới xem một chương trình truyền hình thực tế mà không phải tua nhanh. Có những đoạn Jun Phạm chỉ ngồi vo gạo, nấu ăn, mà tôi vẫn thấy dễ chịu. Nó làm mình nhớ nhà, nhớ thời sống với bà ngoại ở quê”.
Anh Nguyễn Minh Trí (21 tuổi, sinh viên) lại cho rằng: “Nhìn Rhymastic trông ngầu là thế, mà khi bị trượt chân té bùn thì cười xỉu. Mà ổng không giấu mấy khoảnh khắc đó, cứ để nó tự nhiên luôn, nên thấy thân thiện, đáng yêu hẳn ra”.
Chị Lê Ngọc Quyên (36 tuổi) lại thích chương trình ở chỗ “tạo cảm giác muốn đi du lịch kiểu homestay, về quê sống vài ngày, học cách nấu ăn, trồng cây. Nó gần gũi và dễ bắt chước”.
“Khi truyền hình Việt còn đang loay hoay với công thức cũ, Gia đình Haha mở ra một gợi ý: Hãy để nghệ sĩ bớt làm thần tượng, mà trở lại làm người bình thường. Khi khán giả thấy họ cũng có thể bối rối trước con trâu, ngơ ngác giữa ruộng lúa, hay loay hoay với mẻ cá đầu tiên, đó là lúc truyền hình chạm tới sự đồng cảm sâu nhất. Và biết đâu, sau tiếng cười rôm rả, người xem lại có thêm chút yêu quê, thương đất, và muốn góp một tay giữ lại những gì đẹp nhất từ làng quê Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khoa chia sẻ.
“Nhìn Rhymastic trông ngầu là thế, mà khi bị trượt chân té bùn thì cười xỉu. Mà ổng không giấu mấy khoảnh khắc đó, cứ để nó tự nhiên luôn, nên thấy thân thiện, đáng yêu hẳn ra”.
Anh Nguyễn Minh Trí (21 tuổi, sinh viên)
Bùn đất, nắng gió và những tương tác đời thường tạo nên chất riêng của chương trình
Vừa chữa lành vừa truyền thông văn hóa
Không chỉ dừng lại ở yếu tố vui vẻ, chữa lành, Gia đình Haha còn là một phần trong chiến lược truyền thông mềm của chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Việc các nghệ sĩ tham gia sản xuất, chế biến và giới thiệu nông sản địa phương đã trực tiếp tạo ra giá trị quảng bá thiết thực. Đặc biệt, chương trình còn có sự đồng hành của Trung tâm Xúc tiến thương mại - Nông nghiệp, TikTok và Yeah1, biến sản phẩm nông nghiệp thành điểm chạm văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, điều quan trọng là những người có ảnh hưởng, những nghệ sĩ góp mặt trong một không gian đời sống thật, tạo ra sự tương tác thật với văn hóa bản địa.
“Nhiều khán giả thấy bản thân trong khoảnh khắc Jun Phạm lấm lem bùn đất khi lần đầu tập cày, Ngọc Thanh Tâm xắn tay vào bếp, băm sắn cho lợn ăn rồi trở thành cô giáo tiếng Anh bất đắc dĩ… Đây là hình thức truyền thông văn hóa mềm hiệu quả, cần được nhân rộng nếu muốn xây dựng bản sắc quốc gia trong kỷ nguyên số”.
Chuyên gia truyền hình Nguyễn Thu Lan, người từng cố vấn nhiều chương trình thực tế trên VTV đánh giá: “Gia đình Haha gợi nhớ thời kỳ đầu của các sô như Đi để trở về, Việt Nam tươi đẹp, nhưng được cập nhật đúng theo xu hướng hiện nay: đời thường, gần gũi và có tính chất chữa lành. Việc lồng ghép yếu tố OCOP là một điểm sáng chiến lược, vì vừa giúp nông dân có thêm kênh quảng bá, vừa đưa khán giả trẻ tiếp cận những giá trị văn hóa một cách tự nhiên”.
Chiến lược truyền thông hợp thời
Một trong những lý do Gia đình Haha nhận được sự chú ý đa thế hệ, theo một số chuyên gia là nhờ chiến lược truyền thông hợp thời. Trailer tung ra từ sớm, hé lộ dàn diễn viên theo từng đợt để tăng sự tò mò. Bài hát chủ đề Những ngày trời bao la do chính các thành viên thể hiện, với phần rap bắt tai của Rhymastic cũng nhanh chóng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Việc phát song song trên VTV3 và YouTube giúp mở rộng tệp khán giả, vừa có những người xem truyền thống, vừa tiếp cận giới trẻ online.
Chuỗi clip hậu trường Chuyện nhà Haha phát hành giữa tuần như một bản tin hậu trường tăng chiều sâu, vừa giữ chân fan, vừa gợi mở thêm câu chuyện về từng địa phương. Việc phát thêm tập 1+, 2+ cũng cho thấy nhà sản xuất rất linh hoạt trong cách “nuôi dưỡng” nội dung. Chưa kể, fanpage của chương trình liên tục cập nhật các khoảnh khắc dễ thương, phản hồi tương tác của khán giả, góp phần kéo dài hiệu ứng truyền thông sau mỗi tập phát sóng.
Bà Lan đánh giá cao cách mà Gia đình Haha xây dựng tình thân, tạo mối liên kết cảm xúc giữa người nổi tiếng và người dân địa phương. Những đoạn Jun Phạm dạy trẻ con hát, Duy Khánh bày trò chơi dân gian, Ngọc Thanh Tâm gói bánh với bà cụ, đều được giữ lại trọn vẹn khiến cho kịch bản hấp dẫn hơn. Chính nhờ đó, chương trình giữ được sự chân thành hiếm thấy trong truyền hình thực tế hiện nay.
Kỹ sư nông nghiệp Phạm Đức Trọng chia sẻ: “Tôi thấy chương trình này giúp người thành thị hiểu hơn về nông dân. Không ai bắt họ phải yêu ngay đâu, nhưng có hiểu thì mới có tôn trọng. Xem các nghệ sĩ theo trâu đi cày, tôi rất thích. Nghề nông mệt nhưng cũng nhiều niềm vui”.
Khán giả Lê Thảo My (24 tuổi) nhận xét: “Chương trình không cố bắt trend kiểu cưỡng bức, mà để mọi thứ tự nhiên. Thậm chí, cách họ lồng ghép OCOP cũng không làm người ta khó chịu, vì gắn với câu chuyện của người thật việc thật”.
Anh Nguyễn Văn Hậu (45 tuổi) nói: “Xem thấy vui, lại nhớ ruộng đồng quê mình. Tự nhiên muốn dẫn con về quê chơi một bữa”.
Trong bối cảnh tràn ngập gameshow kéo khách bằng trò lố, Gia đình Haha tạo sự khác biệt và hoàn toàn chinh phục khán giả nhờ sự ấm áp, chân thực và nhân văn.
HẠ ĐAN