“Suốt ngày ôm điện thoại”, đó là câu mà cha mẹ thường mắng con cái khi chúng lơ là việc gì đó, thậm chí còn là câu nói đầy trách móc của vợ chồng khi “nửa kia” thiếu quan tâm đến mình. Không thể phủ nhận, “cuộc sống số” đang dần khiến nhiều người lo ngại khi chính bản thân họ và những thành viên khác trong gia đình đang quá phụ thuộc vào thiết bị thông minh.
Ảnh minh họa
Thế nhưng, nhìn về mặt tích cực hơn, chuyển đổi số giúp các gia đình bớt thời gian lao động, có thêm nhiều thời gian gần gũi, giải trí. Giúp khoảng cách giữa các thành viên gần hơn khi sử dụng phương tiện công nghệ số để trò chuyện. Sử dụng trí tuệ nhân tạo giải trí mang lại tiếng cười. Sử dụng công nghệ số trong việc khám sức khỏe, tiếp cận thông tin về sức khỏe, kể cả tình dục, hôn nhân,…
Nhìn rộng hơn, “dòng chảy số” đã phủ khắp mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn.
Trước đây, nói đến khái niệm "chuyển đổi số", người ta nghĩ đó là cái gì khá trừu tượng, nhưng bằng mắt thường có thể thấy được ngay, câu chuyện số, chuyển đổi số giờ đã len lỏi vào từng cá nhân, từng gia đình. Chúng ta có thể cảm nhận rõ nhất là sự chuyển dịch của giao dịch điện tử.
Ảnh minh họa
Giờ đây, chiếc điện thoại thông minh với những ứng dụng mua sắm trực tuyến đã trở thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người dân, từ thành thị cho tới nông thôn. Người ta mua sắm không cần đến tận quầy hàng, không cần trả tiền mặt trực tiếp, ai cũng có ứng dụng ngân hàng, ai cũng biết chuyển khoản, cũng biết mã QR Code… đó là những chuyển động tích cực có thể thấy rõ.
Ví dụ đơn giản hơn, trong thời tiết lạnh giá, thay vì người vợ phải khăn trùm áo ấm đi ra chợ mua mấy cái nem, mớ rau, lạng thịt, thì chỉ việc nằm trong chăn ấm, nhấc điện thoại lên và bấm mua hàng online. Chỉ vài phút là đã thấy tiếng gõ cửa, giao hàng. Rồi thì đỡ hẳn cái khoản cầm tiền ra đếm, trả đi, trả lại, chỉ cần bấm điện thoại chuyển khoản. Mà bây giờ, từ bà bán rau đến người bán gói tăm tre cũng đều đã có mã QR Code của mình, chỉ cần chìa ra cho người mua quẹt một cái, thế là xong!
Chuyển đổi số trên mọi phương diện có thể khẳng định mang lại nhiều cái lợi hơn cái hại nếu bản thân mỗi người biết dùng nó làm “phương tiện hạnh phúc”. Thời gian tiết kiệm được từ các hình thức giao dịch số giúp các thành viên trong gia đình có thêm thời gian gần nhau hơn. Một cặp đôi có thể bày tỏ tình cảm với nhau sâu sắc hơn nhờ những “icon” trên các nền tảng giao tiếp, hoặc bằng các hình thức “biểu đạt số” khác nhau.
Trong kỷ nguyên số, công nghệ đã len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, từ thay đổi cách làm việc, học tập đến giải trí, kết nối, tiêu dùng,... Cuộc sống số mang đến nhiều tiện ích và cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức. Đó là nguy cơ bị hack tài khoản, thông tin; bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo. Việc sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Với lượng thông tin khổng lồ, người dùng dễ sa vào “ma trận” thông tin, không phân biệt được thật, giả.
Nếu không tỉnh táo khi chuyển đổi số, nhiều cá nhân sẽ cảm thấy sợ hãi. Thế nên, để thích ứng với sự thay đổi này, mỗi người cần chủ động trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết, tránh được những rủi ro trong không gian số, đồng thời biết biến chuyển đổi số thành “phương tiện hạnh phúc” để nâng cao đời sống của bản thân và gia đình.
Phương Linh