Mô hình rồng làm từ xốp của nghệ nhân Thúy Nga.
Ngày 24/2 (27 tháng Giêng), thành phố Lạng Sơn sẽ tổ chức lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, lễ hội lớn nhất tại địa phương với nhiều hoạt động đặc sắc.
Hôm 22/2, mạng xã hội đã lan truyền loạt ảnh chụp mô hình rồng hoành tráng, được một gia đình tại thành phố này chuẩn bị trưng bày trong thời gian diễn ra lễ hội. Theo đó, mô hình rồng có màu chủ đạo be - xanh, uốn lượn, được tạo hình đẹp mắt, phần mắt được gắn đèn phát sáng.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Triệu Hải Yến (sinh năm 1990) cho biết gia đình chị đặt hàng nghệ nhân Bùi Thúy Nga (sinh năm 1980) thực hiện mô hình. Đi kèm rồng là mô hình phụng, tạo thành một cặp, mỗi mô hình có chiều dài 4 m, chiều cao khoảng 3 m.
"Tôi có ý tưởng làm mô hình trưng hội từ năm ngoái nhưng chưa thuê được mặt tiền rộng. Năm nay, tôi được bạn bè hỗ trợ 4 ô mặt tiền với chiều dài khoảng 20 m để làm nơi trưng mô hình và dựng rạp sắp lễ của gia đình. Chị Nga là một người bạn thân của gia đình, cũng có ý tưởng làm điều gì đó đặc biệt nhân dịp lễ hội nên hưởng ứng ngay khi nghe tôi đề xuất", chị Yến nói.
Hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề người bạn thân, chị Yến đã ấn tượng ngay từ khi được cho xem bản phác thảo và dựng khung. Đến khi sản phẩm hoàn thiện khoảng 90% và được chiêm ngưỡng tận mắt, chị càng bất ngờ bởi độ tinh xảo, sống động.
Cặp mô hình rồng phụng đang ở những bước cuối hoàn thiện, chuẩn bị được trưng bày ở lễ hội Lạng Sơn.
"Tôi không thể đợi đến chính hội, khi mô hình được ráp các phần hoàn chỉnh mà phải chụp lại ngay để khoe, không ngờ nhận được nhiều lời khen đến vậy. Chúng tôi cũng hy vọng cặp long phụng này sẽ trở thành điểm chụp ảnh check-in của khách đến chơi hội", chị Yến chia sẻ.
Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ là sự kiện gắn liền với tín ngưỡng thờ Quan lớn Tuần Tranh và Đức Thánh Trần. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ được tổ chức trong dịp này, đặc biệt là lễ rước kiệu từ đền Kỳ Cùng tới đền Tả Phủ.
Trong suốt con đường đoàn rước kiệu đi qua, các gia đình hai bên đường, đặc biệt là các chủ hàng quán kinh doanh, sẽ chuẩn bị sẵn mâm lễ trước cửa nhà với mong cầu bình an, tài lộc. Thậm chí một số gia đình còn dựng thành các rạp lớn, đãi khách thập phương đến chung vui.
Ngoài mô hình rồng phụng, gia đình chị Yến cũng chuẩn bị các mâm lễ vật gồm đặc sản địa phương và 28 mâm cỗ mời khách là đối tác kinh doanh, bạn bè từ các tỉnh khác tới dự hội. Chi phí gia đình chị chuẩn bị cho sự kiện này, chưa tính cặp rồng phụng, là hơn 100 triệu đồng.
Phần đầu mô hình rồng được lắp đèn phát sáng.
Chia sẻ thêm về cặp mô hình, chị Thúy Nga cho biết chị mất khoảng 2-3 tuần thực hiện vì làm song song với một số đơn hàng mâm lễ khác cho hội Kỳ Cùng - Tả Phủ. Dịp lễ hội năm 2024, chị cũng làm một số mô hình khác song nhỏ hơn và chất liệu chủ yếu là hoa quả tươi thay vì xốp dẻo như năm nay.
"Đây là lần đầu tiên chỉ dùng toàn xốp như thế này. Tuy nhiên tôi không cảm thấy quá khó, vẫn là các công đoạn tạo khung, cắt tỉa như bình thường, cái chính là cần tạo được dáng vẻ uyển chuyển, sinh động của mô hình", chị nói.
Chị Thúy Nga cũng là một trong những nghệ nhân thiết kế tráp lễ hỏi, cổng cưới nổi tiếng tại Lạng Sơn. Chị kể từ nhỏ đã được bố dạy vẽ, chạm khắc rồi theo đuổi công việc tạo hình mâm lễ khi lớn lên.
Chị Nga cũng từng tham gia và đoạt nhiều giải thưởng liên quan đến cắt tỉa, tạo hình hoa quả nghệ thuật ở Việt Nam và Thái Lan. Với tác phẩm mới nhất, chị hy vọng có thể phần nào góp thêm nét đặc sắc cho sự kiện địa phương và thu hút khách tham quan.
"Đúng ngày 27 tháng Giêng, tôi sẽ ghép hoàn chỉnh 2 mô hình và trưng bày trước rạp mà gia đình chị Yến thuê ở số 79 Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn. Khi đó, cảnh tượng sẽ hoành tráng và chỉn chu hơn nhiều", chị cho hay.
Mai An
Ảnh: NVCC