Gia đình chị Giang có nhiều kỷ niệm đẹp sau hành trình xuyên Việt bằng "nhà di động".
Chị Đoàn Thị Thanh Giang (sinh năm 1995) và anh Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1989) hiện có 3 con nhỏ. Trước đây, họ thường tổ chức các chuyến du lịch cùng ông bà hai bên như một cách để cả gia đình gắn kết.
Tuy nhiên, sau mỗi chuyến đi, chi phí cao khiến hai vợ chồng bắt đầu cân nhắc hình thức du lịch khác. Khi con dần lớn, họ muốn cùng các bé trải nghiệm thiên nhiên thay vì chỉ quanh quẩn trong nhà.
“Chúng tôi không chọn những điểm du lịch đông đúc, xô bồ. Chồng tôi thích được nấu ăn giữa rừng, nghe tiếng suối chảy. Chúng tôi muốn hướng đến du lịch camping”, chị Giang chia sẻ với Tri Thức - Znews.
"Nhà di động" 1,5 tỷ đồng
Ý tưởng về một căn “nhà di động” được ấp ủ từ lâu. Khi con út vừa tròn 5 tháng tuổi, vợ chồng chị Giang quyết định biến ước mơ thành hiện thực. Họ mua một chiếc xe bán tải và bộ thiết bị "nhà di động" nhập khẩu từ Đức với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng.
Thiết bị nhà di động được thiết kế như một thùng hàng gắn trên xe bán tải. Khi dừng lại, phần thùng có thể bung ra thành chiếc lều 2 tầng, tạo không gian nghỉ ngơi thoải mái cho cả gia đình. Tầng trên có nệm kích thước 1,6 x 2 m, tầng dưới 0,8 x 2 m để đủ chỗ cho cả gia đình 5 người ngủ thoải mái.
Ngoài ra, căn "nhà di động" này còn được trang bị những tiện ích như nhà vệ sinh, bếp từ, điều hòa, tủ lạnh và hệ thống nước nóng. Khi sạc 20 tiếng, điện trên xe có thể dùng cho sinh hoạt trong 4 ngày.
Cận cảnh bên trong và bên ngoài “nhà di động” của gia đình chị Giang.
Làm việc trong lĩnh vực tài chính, anh Tâm hiểu rõ đây không phải là một khoản đầu tư sinh lời, nhưng với anh, là rất đáng giá.
"Sau đại dịch Covid-19, chúng tôi nhận ra có những giá trị còn quý hơn cả tiền bạc. Đó là thời gian gia đình vui vẻ bên nhau", anh cho hay.
Dù vậy, hai vợ chồng vẫn tính toán kỹ càng trước khi xuống tiền. Khi không còn sử dụng, xe có thể bán lại, phần nhà có thể tách ra cho thuê.
"Mới đây có người hỏi thuê để đi xuyên Việt, nhưng chúng tôi muốn tranh thủ đưa các con về Cà Mau, đi Phú Quốc trước khi bé nhỏ vào tiểu học, nên vẫn chưa cho thuê", chị Giang tiết lộ.
"Nhà di động" của gia đình chị Tâm có thể dựng thành nhà tắm khi cần.
13.000 km đi xuyên Việt
Sau khi “nhà di động” hoàn thiện, gia đình chị Giang - anh Tâm thực hiện chuyến đi thử nghiệm kéo dài 3 tuần. Họ ghé qua 5 tỉnh Tây Nguyên để làm quen với nếp sống sinh hoạt trên xe.
Đến tháng 12/2024, hành trình xuyên Việt từ Nam ra Bắc của gia đình 5 người chính thức bắt đầu.
Chị Giang đảm nhận việc lên lịch trình, còn anh Tâm cầm lái. Vì có con nhỏ, mỗi ngày, họ chỉ di chuyển khoảng 300 km, sau đó dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống, chơi cùng các con.
Ban đầu, họ dự định đi trong 2 tuần. Nhưng càng đi, cả gia đình càng bị cuốn theo những trải nghiệm mới mẻ, nên hành trình kéo dài đến 35 ngày.
Các địa điểm dừng chân được chị Giang tham khảo qua các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, có lần vì quá chủ quan không gọi điện trước, cả nhà tới nơi mới biết khu vực cắm trại đã ngừng kinh doanh.
Chị Giang kể thêm khi con thức là lúc cả nhà nghỉ ngơi, vui chơi. Khi con ngủ, vợ chồng chị sẽ tranh thủ di chuyển chặng dài, khoảng 3-4 tiếng và tuyệt đối tránh lái xe ban đêm.
Nếu không tìm được nơi cắm trại lý tưởng, cả hai chọn dừng ở cây xăng, quán cà phê. Với chị, quán cà phê được ưu tiên hơn vì không gian rộng, các bé được chơi thoải mái.
Gia đình chị Giang - anh Tâm có hành trình xuyên Việt 13.000 km bằng "nhà di động".
Trên đường đi, chị Giang mua ít đồ ở chợ dân sinh để nấu ăn cho cả nhà. Mỗi điểm dừng, gia đình thường ở lại 1-2 ngày.
Buổi sáng, chị nấu cháo yến mạch, bánh mì trứng hoặc cơm nguội với muối mè. Buổi trưa, thực đơn sẽ là cơm, canh, món luộc hoặc hấp đơn giản nhưng đủ dinh dưỡng.
Ban đêm, cả nhà quây quần đọc sách, học tiếng Anh, trò chuyện. Khoảng 21-22h, các bé sẽ bắt đầu đi ngủ.
Dù chuẩn bị kỹ lưỡng, hành trình 35 ngày không tránh khỏi khó khăn. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, hai vợ chồng thường xuyên tìm đồ không ra, dẫn đến mâu thuẫn.
Ngoài ra, vợ chồng chị Giang cũng gặp những cung đường xấu ngoài dự kiến do định vị dẫn đi nhầm. Ở những đoạn đèo, dốc không có rào chắn hay đường bê tông, gia đình cũng nhiều lần gặp các pha hú vía vì đang chở theo 3 con nhỏ.
Chưa kể, bé út trong chuyến đi bị ốm tới 2 lần. Lúc ấy, cả gia đình phải cân đối lại lịch trình, vừa phải di chuyển, vừa chăm sóc con nhỏ.
Sau chuyến đi, các thành viên trong gia đình chị Giang thêm gần gũi, biết lắng nghe và yêu thương nhau.
Sau tất cả, điều lớn nhất mà cả gia đình nhận được sau chuyến đi không phải là những tấm ảnh đẹp, mà là sự thay đổi từ bên trong.
Trước đây, sống ở TP.HCM, gia đình chị Giang phụ thuộc vào máy lạnh 24/24. Nhưng sau hành trình dài ngày, cả nhà gần như không còn cần điều hòa. Cơ thể thích nghi với khí hậu tự nhiên nên sức đề kháng tốt hơn, các bé khỏe mạnh, ít ốm vặt hơn.
"Quan trọng hơn, chúng tôi hiểu nhau hơn rất nhiều. Những lúc di chuyển trên xe, chúng tôi trò chuyện, bắt đầu lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn", chị Giang nói.
Những cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh công việc, con cái, giờ mở rộng ra thành cảm xúc, kỷ niệm, ước mơ. Con cái cũng chủ động tâm sự với ba mẹ hơn.
Dù rong ruổi khắp nơi, công việc của hai vợ chồng không bị ảnh hưởng nhiều. Anh Tâm làm trong lĩnh vực đầu tư, phần lớn đã tự động hóa. Chị Giang bán hàng online, có đội ngũ hỗ trợ nên mọi việc đều có thể vận hành từ xa.
Nói về những dự định trong tương lai, chị Giang cho biết cả gia đình sẽ đến những địa điểm mình chưa đi như về miền Tây. Khi các con lớn hơn, cả hai cũng ấp ủ hành trình vượt khỏi ranh giới Việt Nam, khám phá thế giới.
Minh Vũ
Ảnh: NVCC