Giá đồng ra sao trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng hướng đến nền kinh tế carbon thấp?

Giá đồng ra sao trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng hướng đến nền kinh tế carbon thấp?
6 giờ trướcBài gốc
Nhu cầu đồng bứt tốc, nguồn cung chưa theo kịp
Hai năm trước, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã chính thức đưa đồng vào danh sách các khoáng sản quan trọng và chiến lược. Đồng thời, Chính phủ nước này coi đây là một nguyên vật liệu góp vai trò chính trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng sạch, quá trình điện khí hóa và cơ sở hạ tầng điện, lớn hơn nữa là an ninh quốc gia. Tại thời điểm này, theo tính toán của Mỹ, nhu cầu về đồng trong quá trình nói trên sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035.
Tăng trưởng doanh số bán xe điện toàn cầu.
Không chỉ riêng Mỹ, bức tranh năng lượng toàn cầu cũng đang chuyển mình mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi căn bản trong cơ cấu nhu cầu đối với đồng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hiện khoảng 24% nhu cầu đồng đến từ các công nghệ sạch như năng lượng tái tạo, xe điện, lưới điện, và lưu trữ năng lượng. Tỷ trọng này dự kiến sẽ tăng lên 38% vào năm 2030 và đạt 45% vào năm 2040.
Từ đầu năm 2025 đến nay, giá đồng thế giới đã ghi nhận những biến động đáng chú ý. Sau nhịp tăng mạnh mẽ lên mức đỉnh lịch sử vào cuối tháng 3, thị trường đã trải qua một pha điều chỉnh đáng kể trong tháng 4. Đáng chú ý, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, giá đồng COMEX xác lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại khi chạm mốc 5,24 USD/pound, tương đương 11.559 USD/tấn.
Ở lĩnh vực giao thông, một chiếc xe điện trung bình tiêu thụ khoảng 83kg đồng, cao gấp 3,6 lần so với xe sử dụng động cơ đốt trong, trong khi mỗi chiếc xe buýt điện cần tới 224 - 369kg đồng. Mức tiêu thụ lớn này đang biến xe điện trở thành động lực trọng yếu thúc đẩy nhu cầu đồng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia chạy đua cắt giảm phát thải.
Năm 2024, doanh số xe điện toàn cầu đã đạt hơn 17 triệu xe, tăng 25% so với năm 2023, với Trung Quốc đã tiêu thụ tới 11 triệu xe. Theo ước tính của IEA, đến năm 2040, lĩnh vực giao thông sẽ chiếm tới 20% tổng nhu cầu đồng toàn cầu, tăng đáng kể so với mức 13% hiện tại.
Không dừng lại ở đó, làn sóng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và nhu cầu lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ, cũng đang tạo ra ngách tiêu thụ đồng tiềm năng. Theo ngân hàng Macquarie, các trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ tiêu thụ từ 330.000 - 420.000 tấn đồng/năm vào năm 2030.
Tương tự, châu Âu cũng đang bước vào giai đoạn chuyển đổi năng lượng sâu rộng với quy mô đầu tư chưa từng có. Theo Ủy ban châu Âu, khu vực này cần rót từ 2.000 đến 2.300 tỷ USD để nâng cấp toàn diện hệ thống lưới điện từ nay đến năm 2050, trong khi mức đầu tư hiện tại chỉ đạt 300 tỷ USD/năm, còn cách xa nhu cầu thực tế.
Cơ cấu nhập khẩu đồng tinh luyện của Mỹ theo quốc gia. Ảnh: T.L
Dù nhu cầu toàn cầu tăng vọt, phía nguồn cung lại đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Tại Mỹ, năng lực khai và sản xuất đồng trong nước vẫn còn hạn chế, buộc nước này phải phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu đồng tinh luyện từ Chile, Canada và Peru. Điều này dấy lên nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cục bộ trong ngắn hạn.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, tình trạng khan hiếm tinh quặng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hiện chỉ khoảng 20% tinh quặng toàn cầu đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt của nước này. Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp thương mại phải pha trộn tinh quặng từ nhiều nguồn tại nhà máy nước ngoài, dẫn đến chi phí nhập khẩu gia tăng và nguồn cung bị thắt chặt.
Không dừng ở đó, nguồn cung đồng từ các quốc gia sản xuất chủ chốt như Chile, Peru, và Cộng hòa Dân chủ Congo còn tiềm ẩn rủi ro gián đoạn thường trực. Tại Chile, sự cố mất điện diện rộng hồi tháng 2 đã khiến hoạt động tại nhiều mỏ lớn bị gián đoạn, bao gồm cả Escondida, mỏ đồng tư nhân lớn nhất thế giới. Trong khi đó tại Congo, các cuộc xung đột với lực lượng M23 từng gây lo ngại về nguy cơ gián đoạn khai thác.
Thị trường đồng thế giới liên tục có nhiều diễn biến nóng
Từ đầu năm cho tới nay, thị trường đồng thế giới liên tục có nhiều diễn biến nóng. Như đã phân tích ở trên, do Mỹ coi đồng là một trong những khoáng sản quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững trong tương lai, cho nên sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, ông cho biết sẽ xem xét việc áp thuế đối với tất cả các kim loại nhập khẩu, trong đó có đồng.
Động thái này được đưa ra đúng trong bối cảnh nhu cầu công nghiệp thế giới và Mỹ gia tăng mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, chuyển đổi năng lượng sạch đã khiến giá mặt hàng đồng COMEX thiết lập nhiều mức kỷ lục chưa từng thấy trong 4 tháng đầu năm 2025.
Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết, báo cáo của Nhóm nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG) chỉ ra thị trường đồng tinh luyện toàn cầu đã đối mặt với việc thâm hụt khoảng 124.000 tấn vào tháng 11 và 22.000 tấn vào tháng 12 năm 2024. Mới đây, nghiên cứu mới nhất của JP Morgan lại nhấn mạnh tình trạng khan hiếm nguyên liệu đồng còn tiếp tục kéo dài sang năm 2026, ước tính con số thâm hụt khoảng 160.000 tấn đồng tinh chế.
Với nhu cầu gia tăng như hiện nay và trong bối cảnh chờ đợi thông tin về các cuộc đàm phán thuế quan của Mỹ, không loại trừ khả năng giá đồng COMEX sẽ thiết lập mức giá 12.000 USD/tấn trong năm 2025.
Ngược lại, trong kịch bản kém lạc quan hơn, quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu có thể bị đình trệ bởi môi trường thương mại bất ổn. Cụ thể là sự gia tăng của các rào cản thuế quan cũng như chủ nghĩa bảo hộ.
Nếu suy thoái kinh tế xảy ra, Chính phủ các nước sẽ buộc phải siết chặt ngân sách, thậm chí rút lại các chính sách hỗ trợ, điển hình như việc Đức chấm dứt trợ cấp xe điện vào cuối năm 2023, hoặc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - quốc gia sản xuất đồng hàng đầu thế giới, chiếm 50-60 tổng nhu cầu tiêu thụ kim loại toàn cầu giảm từ 4,6% xuống 4,1%, gói tài khóa 1.000 tỷ Nhân dân tệ không phát huy tác dụng kéo theo nhu cầu tiêu thụ yếu thì giá đồng có thể dao động dưới 10.000 USD/tấn trong năm nay.
Ông Dương Đức Quang cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, đồng đang vượt ra khỏi vai trò của một kim loại công nghiệp thông thường để trở thành một thành phần then chốt trong quá quá trình phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng mới, khả năng cao giá đồng sẽ bước vào chu kỳ tăng giá trong thời gian tới.
Văn Nam
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-dong-ra-sao-trong-boi-canh-chuyen-doi-nang-luong-huong-den-nen-kinh-te-carbon-thap-176056.html