Phân loại dừa. Ảnh minh họa: Công Trí/TTXVN
Hiện giá thu mua tại vườn ở mức 170.000 - 190.000 đồng/chục (12 trái), tăng 10.000 đồng/chục so tuần trước. Với mức giá này, nông dân trồng dừa có thu nhập bình quân khoảng 130 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Hữu Chẩn, chủ vườn dừa ở xã Huyền Hội, huyện Càng Long cho biết, giá dừa khô trước đây luôn không ổn định và chỉ tăng cao nhất ở mức 110.000 đồng/chục. Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2024, giá dừa khô bắt đầu tăng dần và cho đến nay đạt mức ở mức 170.000 - 190.000 đồng/chục tùy theo chất lượng trái. Đây là mức giá dừa khô cao nhất từ trước đến nay. Thời điểm này là mùa khô nên sản lượng dừa cho trái khô nhiều, khoảng 1.200 quả/ha/tháng. Hầu hết nông dân trồng dừa rất phấn khởi nhờ có nguồn thu nhập cao.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có gần 89.000 hộ trồng hơn 7,2 triệu cây dừa, với diện tích hơn 27.520 ha, trong đó hơn có 23.600 ha đang cho trái. Năng suất dừa ở Trà Vinh đạt bình quân trên 17,1 tấn/ha/năm, tương đương 14.300 quả/ha/năm, cao gấp 1,5 lần năng suất bình quân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện chương trình nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, hiện tỉnh đã có 5.276 ha dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt chuẩn quốc tế do 8 công ty, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ. Việc liên kết này là định hướng của tỉnh nhằm phát triển cây dừa, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và thu nhập bền vững cho nông dân.
Ông Huỳnh Khắc Nhu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trà Bắc (Trabaco) cho biết, năm 2024 là năm mà giá trị kinh tế cây dừa đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Cả nước hiện có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa; trong đó có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm từ dừa. Trong số các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có 42 doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu với gần 90 sản phẩm mang thương hiệu "Made in Vietnam" như: than hoạt tính, nước dừa khô uống, sữa dừa uống, nước cốt dừa cấp đông, dầu dừa trắng, thảm sơ dừa, chỉ sơ dừa… Dự báo từ các nhà doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng từ dừa xuất khẩu, giá trị kinh tế cây dừa còn tiếp tục giữ vững và tăng thêm trong những năm tiếp theo nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu, nhu cầu về nguồn nguyên liệu dừa trái trong thời gian tới là rất lớn.
Năm 2025, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phấn đấu mở rộng diện tích cây dừa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha/năm và có ít nhất 8.000 ha dừa trồng theo hướng hữu cơ, trong đó có 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Các địa phương trong tỉnh hiện đã triển khai chương trình hỗ trợ nông dân phát triển chuỗi giá trị dừa đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ, xây dựng vùng trồng nguyên liệu dừa tập trung.
UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn, tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tạo liên kết phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến. Trong giai 2025 - 2030, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa. Tỉnh phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa và xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu.
Mới đây, nhà máy chế biến trái cây Trà Vinh - Greenfood có tổng mức đầu tư gần 380 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Stella Invest làm chủ đầu tư đã được khởi công trên địa bàn tỉnh, tại xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần. Nhà máy chuyên sản xuất nước giải khát, nước ép trái cây, các sản phẩm từ dừa tươi, dừa khô, trái cây đóng hộp. Nhà máy chế biến trái cây khi đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao giá trị, mở rộng thị trường cho trái cây Trà Vinh; trong đó có trái dừa, giúp nhà vườn trong tỉnh tăng lợi nhuận, thu nhập bền vững.
Phúc Sơn (TTXVN)