Giá gạch tăng kỷ lục

Giá gạch tăng kỷ lục
4 giờ trướcBài gốc
Hiện nay đang là cao điểm xây dựng nhà ở và các công trình dân dụng, nhu cầu sử dụng gạch tăng cao
Anh Nguyễn Văn Toản, người dân xã Phạm Hồng Thái (Khoái Châu) chia sẻ: Gia đình tôi xây nhà từ tháng 3/2025 với diện tích khoảng 180m2 sàn, cần khoảng 120.000 viên gạch. Khi tính toán ban đầu, tôi dự kiến chi khoảng 130 triệu đồng cho tiền gạch, nhưng thực tế đến nay đã vượt hơn 60 – 70 triệu đồng. Thậm chí, có lúc đội thợ phải nghỉ vài ngày vì chưa kịp đặt được gạch.
Không chỉ tăng giá, tình trạng khan hàng còn khiến người dân dù có tiền cũng chưa chắc đã mua được gạch đúng thời điểm. Anh Đỗ Văn Tiệp ở xã Hải Thắng (Tiên Lữ) cho biết: Sau nhiều năm tích góp, tôi mới đủ điều kiện xây nhà. Vậy mà mới xây được một thời gian ngắn thì đã hết gạch, gọi khắp nơi đều nhận được câu trả lời là “hết hàng”, phải chờ 2 - 3 ngày. Công trình thì bị đình trệ, thợ nghỉ, chi phí phát sinh tăng thêm, tính sơ sơ cũng đội lên hơn 100 triệu đồng so với dự toán ban đầu.
Giá gạch cao đẩy chi phí dự toán xây dựng của nhiều gia đình tăng lên
Tình trạng giá gạch tăng chóng mặt không chỉ khiến người dân lo lắng mà cả các đại lý vật liệu xây dựng cũng bị “vạ lây”.

Anh Trần Ngọc Tuấn, chủ đại lý vật liệu xây dựng ở thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) cho biết: Từ đầu năm đến nay, sức mua gạch tăng đột biến đẩy giá tăng liên tục, nguồn hàng thì khan hiếm. Nhiều khách hàng thấy giá cao, lại không chủ động được nguồn gạch từ trước nên phải tạm dừng thi công hoặc giảm quy mô xây dựng. Do vậy, lượng tiêu thụ tại đại lý tuy giá cao nhưng lại không tăng tương ứng.

Khan hiếm nguồn cung

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính dẫn tới việc gạch tăng giá kỷ lục là do nguồn cung khan hiếm từ các nhà máy sản xuất. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch trong tình trạng hoạt động cầm chừng, hạn chế đầu tư mở rộng quy mô sản xuất do chi phí đầu vào đội lên quá cao.
Sản xuất gạch nung tại một nhà máy tại xã Tứ Dân (Khoái Châu)
Ông Đỗ Đặng Trung, đại diện Công ty TNHH Hoàng Thanh, xã Đông Kết (Khoái Châu) cho biết: Hiện nay, giá nguyên liệu chính như đất, than đã tăng khoảng 1,5 lần so với 5 năm trước, đồng thời, giá điện và tiền công thợ cũng tăng đều mỗi năm, khiến chi phí sản xuất gạch tăng đáng kể… Trong khi vào khoảng giữa năm 2024, giá bán thành phẩm ở mức thấp điểm, nên chúng tôi không mạo hiểm dự trữ hàng chứ chưa nói đến đầu tư vốn mở rộng quy mô sản xuất. Vì thế, sang đầu năm 2025, mặc dù giá bán gạch có thời điểm tăng gấp đôi so với những năm trước nhưng vẫn không có đủ hàng để bán.

Trước tình hình đó, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ông Nguyễn Văn Thế, cai thầu xây dựng trên địa bàn huyện Tiên Lữ cho biết: Hiện nay, tôi có 6 đội thợ nhận thi công xây dựng cho khoảng 10 hộ gia đình. Do gạch khan hiếm, nhiều chủ nhà chưa thể tìm được nguồn cung cấp nên một số công trình do chúng tôi thầu xây dựng phải giãn tiến độ.

Không ít gia đình, để tiết kiệm chi phí đã buộc phải thay đổi thiết kế, thu hẹp diện tích hoặc giảm chất lượng vật liệu ở các hạng mục phụ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới độ bền, tính thẩm mỹ cũng như an toàn của công trình.
Nguồn cung gạch khan hiếm khiến nhiều công trình bị chậm tiến độ
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng vẫn đang duy trì việc công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng trên cổng thông tin điện tử, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp cập nhật kịp thời. Đồng thời, ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc niêm yết, công khai giá vật liệu tại các cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ, nâng giá trái quy định.

Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia xây dựng cho rằng, để điều tiết giá gạch trở lại mức ổn định, bảo đảm hoạt động xây dựng trên địa bàn không bị gián đoạn cần có giải pháp hỗ trợ các nhà máy sản xuất như ưu tiên cung ứng nguyên liệu đầu vào và tăng cường quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét hợp lý. Có như vậy mới giảm áp lực nguồn đình trệ.
Hương Giang – Dương Miền
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/gia-gach-tang-ky-luc-3181257.html