Giá gạo Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ chất lượng tốt

Giá gạo Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ chất lượng tốt
một ngày trướcBài gốc
Dự báo giá lúa gạo tăng nhẹ trong tháng 4 và tháng 5
Đánh giá về giá lúa gạo trong tháng 3/2025, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá lúa gạo tại Việt Nam trong tháng này duy trì sự ổn định và có sự gia tăng nhẹ ở một số loại lúa.
Cụ thể, lúa Đài Thơm 8 và lúa OM 18 được ghi nhận có mức giá khoảng 6.600 - 6.700 đồng/kg, tăng nhẹ so với tháng trước. Các loại lúa khác như lúa Nàng Hoa 9 dao động từ 6.300 - 6.500 đồng/kg, còn lúa IR 50404 giữ mức ổn định từ 5.600 - 5.700 đồng/kg.
Thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam ngày càng đa dạng, từ châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ đến châu Đại Dương. Trong đó, châu Á vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm hơn 70% tổng lượng xuất khẩu.
Đối với gạo xuất khẩu, giá của các loại gạo như gạo 5% tấm đạt khoảng 400 USD/tấn, tăng nhẹ 5-10 USD/tấn so với tháng 2. Gạo 25% tấm có giá 369 USD/tấn và gạo 100% tấm dao động khoảng 325 USD/tấn.
Có nhiều yếu tố tích cực ảnh hưởng đến sự ổn định và tăng nhẹ của giá lúa gạo trong tháng 3. Thứ nhất, nguồn cung ổn định; vụ Đông Xuân đã bước vào giai đoạn thu hoạch, giúp nguồn cung lúa gạo dồi dào. Điều này đã giúp giá gạo giữ được mức ổn định, đặc biệt là tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có sản lượng lớn.
Thứ hai, xuất khẩu gạo tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường như Philippines, Trung Quốc và châu Phi đã có sự gia tăng đáng kể. Điều này đã góp phần duy trì giá gạo ổn định, đặc biệt là đối với các loại gạo cao cấp như gạo Jasmine và gạo thơm.
Thứ ba, Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu gạo, bao gồm thu mua tạm trữ gạo để ổn định thị trường trong nước và tạo lực đỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Giá gạo Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ chất lượng tốt. Ảnh: T.L
Cũng theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý I/2025 đạt khoảng 2,2 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt 1,14 tỷ USD. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch với xu hướng tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.
Cục Quản lý giá cũng dự báo, giá lúa gạo sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và có thể tăng nhẹ trong tháng 4 và 5/2025. Các loại lúa tươi như lúa Đài Thơm 8 và lúa OM 18 có thể dao động trong khoảng 6.600 - 6.800 đồng/kg, trong khi giá gạo xuất khẩu 5% tấm sẽ đạt khoảng 400 - 410 USD/tấn.
Tuy nhiên, giá lúa gạo sẽ gặp một số thách thức trong thời gian tới từ cạnh tranh quốc tế. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đặc biệt là Ấn Độ và Thái Lan vẫn duy trì chính sách giảm giá để cạnh tranh. Dù vậy, giá gạo Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ chất lượng tốt và uy tín với khách hàng quốc tế.
Cùng với đó là sự phát triển của thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước dự kiến sẽ tăng nhẹ trong các tháng tới, đặc biệt là trong bối cảnh tiêu thụ gạo chất lượng cao ở các khu vực đô thị ngày càng được chú trọng.
Hoàn thành kiểm tra 44 thương nhân gạo
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công thương đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Đoàn kiểm tra đã làm việc từ ngày 25 đến 28/3, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về thu mua, trữ lúa gạo và kiểm soát giá mua gạo.
Liên quan vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, trong thời gian gấp rút, đoàn kiểm tra đã làm việc với 44 thương nhân xuất khẩu gạo tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang. Đây là những địa phương đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đoàn kiểm tra được chia thành 3 nhóm: Đoàn số 1 làm việc với 16 thương nhân tại Long An và Tiền Giang, đoàn số 2 làm việc với 16 thương nhân tại Đồng Tháp và Cần Thơ, đoàn số 3 làm việc với 12 thương nhân tại An Giang và Kiên Giang.
Quý I/2025, gạo xuất khẩu có khối lượng đạt khoảng 2,2 triệu tấn. Ảnh: T.L
Đoàn kiểm tra liên ngành tập trung vào việc đánh giá tình hình thu mua lúa gạo từ bà con nông dân, đảm bảo quy trình thu mua diễn ra công bằng và hiệu quả, đồng thời kiểm tra việc dự trữ gạo của các thương nhân để đảm bảo bình ổn thị trường, đặc biệt là kiểm soát giá gạo trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với sự tham gia của đại diện các địa phương. "Sau quá trình kiểm tra, tình hình thực tế khá ổn, thị trường đã được bình ổn trở lại, không còn nóng như tháng trước" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.
Hiện tại, đoàn kiểm tra đang tiến hành tổng hợp thông tin và dữ liệu để báo cáo lãnh đạo Bộ Công thương và Phó Thủ tướng Chính phủ. Kết quả kiểm tra chính thức sẽ được công bố sau khi hoàn tất quá trình tổng hợp và báo cáo.
Trước đó, ngày 4/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 21/CĐ-TTg về việc điều hành đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo theo dõi sát sao, cập nhật kịp thời các biến động về chính sách, các diễn biến thị trường của các quốc gia xuất khẩu, nhập khẩu gạo để chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp.
Dự báo năm 2025, Việt Nam khả năng sẽ tiếp tục giữ vị trí Top 2 xuất khẩu gạo thế giới, giá gạo giữ ở mức cao nhờ nhu cầu dự trữ lương thực toàn cầu tăng và Ấn Độ vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu.
Diệu Hoa
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-gao-viet-nam-van-co-loi-the-nho-chat-luong-tot-173965.html