Tổng thống Nga Vladimir Putin nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận trung chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine. Ảnh RT
Hợp đồng khí đốt tương lai chuẩn tăng tới 5% vào thứ Sáu tuần này, mức tăng mạnh nhất trong một tuần. Trước đó, vào thứ Năm, ông Putin cho biết sẽ không thể đạt được một hợp đồng trung chuyển mới trước cuối năm nay, khi thỏa thuận hiện tại hết hạn.
Các quốc gia Trung Âu vẫn đang mua khí đốt Nga đã đưa ra các giải pháp thay thế nhằm duy trì dòng khí chảy qua Ukraine, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào có thể mang lại tiền cho Nga trong bối cảnh cuộc chiến tại nước này đang diễn ra.
“Tính đến thời điểm hiện tại, sẽ không có dòng khí đốt nào từ Nga qua Ukraine kể từ ngày 1/1”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Heorhii Tykhyi, cho biết vào thứ Sáu tuần này.
Tuy vậy, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra trong những ngày cuối năm và không thể loại trừ hoàn toàn khả năng đạt được một thỏa thuận vận chuyển mới vào phút chót, nhất là khi từng có tiền lệ đạt được các thỏa thuận vào phút cuối trong các tranh chấp khí đốt trước đây giữa hai quốc gia.
Nếu Ukraine nhận được bất kỳ đề xuất nào từ Ủy ban châu Âu về việc tiếp tục hợp đồng trung chuyển, nước này sẵn sàng xem xét và đảm bảo “an ninh năng lượng cho khu vực”, ông Tykhyi nói. Một số cuộc tham vấn “theo các hình thức khác nhau” đang được tiến hành, nhưng “không hề có sự tham gia của Nga”, ông nói thêm.
Trong khi đó, tại các cuộc đấu giá hôm thứ Sáu, không có sản lượng nào tại điểm biên giới Slovakia-Áo được đặt trước cho tháng 1.
Vào thứ Năm tuần này, ông Putin thừa nhận rằng các đề xuất đang được xem xét — bao gồm việc cho phép Hungary, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Azerbaijan kiểm soát dòng khí đốt qua Ukraine — rất khó thực hiện vì Gazprom PJSC đã ký các hợp đồng dài hạn khó thay đổi.
Lượng khí đốt đang bị đe dọa chiếm khoảng 5% nhu cầu của châu Âu. Dù chỉ là một phần nhỏ của thị trường, nhưng việc mất đi nguồn cung này sẽ buộc các quốc gia phải dựa nhiều hơn vào khí đốt qua đường ống từ Na Uy hoặc khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.
Các nhà giao dịch tại châu Âu đang theo dõi sát sao lượng dự trữ khí đốt của khu vực, hiện đã giảm xuống dưới mức 75%.
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng một vụ kiện từ Naftogaz của Ukraine, cáo buộc Gazprom chưa thanh toán đầy đủ dịch vụ trung chuyển, là một rào cản khác đối với thỏa thuận mới. Ông nói rằng cáo buộc này phải được rút lại thì mới có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận trung chuyển nào.
Hợp đồng khí đốt kỳ hạn chuẩn của châu Âu, giao dịch tại Hà Lan, tăng 3,38%, đạt mức 47,27 euro/megawatt-giờ vào lúc 12 giờ 13 chiều tại Amsterdam. Hợp đồng giao tháng 1 sẽ hết hạn vào thứ Hai tuần tới.
Nh.Thạch
AFP