Theo dự báo, thời tiết trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong các tháng 3 và 4, khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ tại khu vực thung lũng và phía Đông Nam tỉnh. Từ tháng 3 đến tháng 6, có thể xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc và mưa đá. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền ở mức tương đương trung bình nhiều năm, tuy nhiên cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp.
Dự báo từ tháng 3 đến tháng 6, trên địa bàn tỉnh có thể xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, sét, lốc và mưa đá. Ảnh: P.V
Trước tình hình đó, tỉnh Gia Lai đề ra phương án ứng phó với phương châm: Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành; kịp thời thống kê thiệt hại, hỗ trợ khắc phục hậu quả và ổn định đời sống người dân sau thiên tai.
Phương án quy định cụ thể trách nhiệm ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai. Trong đó, đối với cấp độ 1 do cấp xã chủ trì huy động lực lượng tại chỗ như dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn để ứng phó kịp thời.
Cấp độ 2 do cấp huyện chủ trì, cấp tỉnh hỗ trợ. Cấp huyện huy động thêm lực lượng quân đội, công an và các nguồn lực khác để ứng phó khi thiên tai xảy ra trên diện rộng hoặc khi có yêu cầu hỗ trợ từ cấp xã. Cấp tỉnh sẵn sàng hỗ trợ khi cấp huyện vượt quá khả năng.
Cấp độ 3 và 4 do cấp tỉnh chủ trì, chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực và triển khai các biện pháp ứng phó trên địa bàn. Nếu vượt quá khả năng ứng phó, báo cáo lên cấp Trung ương để xin hỗ trợ.
Vượt cấp độ 4 là tình trạng khẩn cấp do Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp.
Phương án quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong tham gia ứng phó đối với từng cấp độ rủi ro của các loại hình thiên tai. Ảnh: P.V
Phương án cũng phân loại, xác định biện pháp ứng phó cụ thể đối với từng loại hình thiên tai như: mưa lũ, ngập lụt; hạn hán, nắng nóng; giông, sét, lốc, mưa đá; áp thấp nhiệt đới, bão và siêu bão; động đất; lũ quét, sạt lở đất, sụt lún do dòng chảy hoặc mưa lớn.
Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh là cơ quan chỉ đạo thống nhất. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp với các chủ đập thủy lợi, thủy điện để đảm bảo an toàn công trình. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra, xây dựng phương án phù hợp với điều kiện địa phương, tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết.
Các sở, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao theo chức năng, đảm bảo sự chủ động, hiệu quả trong công tác phòng-chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem chi tiết nội dung phương án ứng phó thiên tai tại đây.
PHƯƠNG VI