"Địa chỉ đỏ" hút khách
Trong ngày nghỉ lễ 2-5, nhiều gia đình, đoàn khách du lịch theo tour và người dân đã chọn tham quan các di tích lịch sử như một cách để trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử đất nước.
Thầy Nguyễn Cao Kỳ-Giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tham quan Đền tưởng niệm liệt sĩ suối Hội Phú. Ảnh: Chu Hằng
Các "địa chỉ đỏ" tại TP. Pleiku luôn là nơi thu hút lượng lớn khách tham quan. Điển hình như Đền tưởng niệm liệt sĩ suối Hội Phú (phường Hội Phú). Đây là nơi yên nghỉ của hơn 200 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Theo ghi nhận của P.V, lượng khách tham quan tập trung đông nhất vào trước và trong những ngày lễ; đối tượng tham quan chủ yếu là học sinh, thanh niên, gia đình, đoàn thể...
Theo thầy Nguyễn Cao Kỳ-Giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), thầy vẫn cùng gia đình đến các địa chỉ đỏ vào những dịp lễ lớn. Ngoài ra, với công việc là một giáo viên dạy Ngữ văn, thầy luôn muốn lồng ghép các hoạt động tham quan, trải nghiệm để giáo dục học sinh về lòng yêu nước, biết ơn.
“Tôi hướng dẫn học sinh tìm hiểu những "địa chỉ đỏ" tại địa phương để các em không chỉ học lịch sử qua sách vở mà còn cảm nhận được bằng chính trái tim. Ngoài Đền tưởng niệm liệt sĩ suối Hội Phú, tôi còn ghé thăm Bảo tàng tỉnh, Quảng trường Đại Đoàn Kết… Đây chính là những nơi lưu giữ ký ức, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc”-thầy Nguyễn Cao Kỳ cho biết.
Ông Vũ Văn Phong (đến từ TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) xúc động trước phần mộ của bố tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Ảnh: Chu Hằng
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai cũng là điểm đến không thể thiếu trong hành trình tri ân. Những ngày lễ, nơi đây đón nhiều gia đình đến thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ông Vũ Văn Phong (đến từ TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bùi ngùi nói: “Nhân dịp lễ, cũng trong hành trình đi tìm phần mộ của người bác, gia đình tôi tranh thủ từ Bình Dương lên Gia Lai để thắp nén hương cho bố. Bố tôi hy sinh năm 1973, khi tôi còn rất nhỏ và chưa từng một lần được gặp mặt. Bởi vậy, mỗi lần đứng trước mộ ông tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai, cảm xúc lại dâng trào khó diễn tả thành lời. Với tôi, đó không chỉ là sự tưởng nhớ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của con cháu đối với người đã ngã xuống vì Tổ quốc”.
Nếu như ở các dịp lễ trước, gia đình chị Nguyễn Thị Như Loan (thị trấn Kbang) tổ chức cho các con đi chơi xa thì kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, vợ chồng chị quyết định tổ chức tham quan tại các điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Chị Loan cho hay: Những năm qua, Nhà nước không ngừng quan tâm đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích khang trang, bề thế hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
“Gia đình tôi đã đến thắp nhang tri ân Bok Núp tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, tham quan Đền tượng niệm liệt sĩ Ka Nak để bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Dịp này, vợ chồng tôi và nhóm bạn thân cũng đã khám phá, trải nghiệm thác K50, thác Kon Bông, và thác Hang Dơi. Giữa rừng cây xanh mướt, quang cảnh đẹp, chúng tôi đã kịp ghi lại những tấm hình làm kỷ niệm. Tôi thấy kỳ nghỉ lễ thật vui và ý nghĩa”-chị Loan chia sẻ.
Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo đón hàng trăm lượt du khách trong 3 ngày đầu nghỉ lễ. Ảnh: Ngọc Minh
Công tác xa, thường xuyên vắng nhà, dịp lễ năm nay kéo dài 5 ngày, anh Trương Quang Thắng (phường An Bình, thị xã An Khê) có nhiều thời gian hơn bên gia đình, người thân. “Tôi chủ động dẫn các con tới các di tích lịch sử trên địa bàn thị xã. Đây không chỉ là hoạt động tham quan, trải nghiệm mà còn là dịp để giáo dục các con về lòng yêu nước, tinh thần biết ơn, tri ân thế hệ cha ông đi trước”-anh Thắng bày tỏ.
Dịp lễ này, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao (thị xã An Khê) đã phân công 2 nhân viên luân phiên trực, mở cửa Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo để đón khách. Chị Lê Thị Thu Hoài-hướng dẫn viên văn hóa (Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo) thông tin: “Từ ngày 30-4 đến nay, Khu di tích đón hơn 300 lượt khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu thông tin, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. Chúng tôi đã thuyết minh, giới thiệu đôi nét về điện thờ các tướng sĩ nhà Tây Sơn; cuộc đời, sự nghiệp của 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cũng như cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cách đây hơn 250 năm, để mọi người thêm hiểu, tự hào về truyền thống đấu tranh, chống giặc ngoại xâm của ông cha ta”.
Đông đảo các đoàn khách tham quan đến thăm Khu lưu niệm lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện H2 tại buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa). Ảnh: NVCC
Là "địa chỉ đỏ" giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, trong kỳ nghỉ lễ này, Khu lưu niệm lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện H2 tại buôn Ia Rnho (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) cũng mở cửa xuyên suốt để đón các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu. Anh Kpă Dêl-Bí thư Đoàn xã Đất Bằng-cho biết: Trong khuôn viên rộng gần 2 ha, Khu lưu niệm hiện đã được trồng nhiều cây xanh tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ. Bên cạnh đó, hồ sen dưới chân cầu kiều dẫn vào khu lưu niệm tỏa hương thơm ngát tạo điểm nhấn cho quần thể công trình kiến trúc văn hóa-lịch sử này.
“Được giao phụ trách quản lý Khu lưu niệm, đoàn viên, thanh niên trong xã đã ra quân tổng vệ sinh, dọn dẹp cảnh quan môi trường toàn bộ Khu lưu niệm. Người dân và du khách đi đến tham quan có thể quét mã QR để tìm hiểu thông tin về Khu lưu niệm mà không cần có hướng dẫn viên. Ước tính trước, trong và sau dịp lễ 30-4, 1-5, Khu lưu niệm đón tiếp khoảng gần 300 trăm lượt khách đến tham quan. Đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch di tích tại địa phương”-Bí thư Đoàn xã Đất Bằng thông tin thêm.
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Ngày hội Ẩm thực và Triển lãm ảnh Văn hóa-Du lịch 2025 diễn ra tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã trở thành điểm đến thu hút lượng lớn người dân và du khách. Ngoài ẩm thực phong phú, không gian lễ hội còn trưng bày tác phẩm về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản lễ hội và nghề truyền thống của tỉnh Gia Lai. Cùng với đó là các gian trưng bày sản phẩm OCOP, sản vật tiêu biểu, quà lưu niệm truyền thống của địa phương.
Đông đảo du khách tham quan Ngày hội Ẩm thực và Triển lãm ảnh Văn hóa-Du lịch 2025 diễn ra tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Chu Hằng
Chị Nguyễn Thị Hạnh Duyên (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) hào hứng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hứng khởi được hòa mình vào không gian náo nhiệt, sôi động. Tôi đặc biệt ấn tượng với những tác phẩm đầy nghệ thuật về hình ảnh các dân tộc Tây Nguyên, hình ảnh, kỷ vật trong thời kháng chiến. Đây không chỉ là dịp để giới thiệu vẻ đẹp của tỉnh nhà mà còn ý nghĩa hơn khi diễn ra trong thời điểm cả nước cùng nhau kỷ niệm một dấu mốc lịch sử quan trọng”.
Còn ông Nguyễn Quốc Vinh (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) thì ấn tượng bởi các gian hàng ẩm thực tại ngày hội. Tôi thực sự thích thú bởi rất nhiều gian hàng từ các địa phương trong và ngoài tỉnh với nhiều món ăn đặc trưng như: rượu cần, cá Ồ nướng Phú Yên, đặc sản Tây Bắc... Nhờ vậy mà người đến tham quan, nhất là các bạn trẻ, không chỉ thưởng thức mà hiểu thêm về những nền văn hóa đằng sau mỗi món ăn.
Chị Nguyễn Thị Thảo (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) check-in cùng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng tại Đồi hoa hướng dương (dưới chân đèo Tô Na). Ảnh: Vũ Chi
Tại khu vực Đông Nam tỉnh, sau cơn mưa lớn ngày hôm qua, thời tiết trở nên dịu mát hơn 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ. Một số điểm du lịch như: Suối Đá 2, Đồi hoa hướng dương (thị xã Ayun Pa), Hồ sen trên núi (huyện Phú Thiện)… đều đông kín khách đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều người chọn các quán cà phê, khu vui chơi giải trí có không gian thoáng đãng để có thể thư giãn, trò chuyện cùng bạn bè, người thân.
Chọn quán cà phê Athena (thị xã Ayun Pa) để dừng chân trong ngày thứ 3 của kỳ nghỉ lễ, chị Huỳnh Thị Kim Hân (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cho hay: “Với không gian nhiều cây xanh, quán mang lại cảm giác thư giãn, thoải mái cho cả gia đình. Các cháu nhỏ có thể thoải mái chạy nhảy, check-in và trải nghiệm. Sau khi uống cà phê, gia đình tôi và một số người bạn hẹn nhau đi picnic, vừa câu cá vừa ăn trưa”.
Khu vực Đồi hoa hướng dương (dưới chân đèo Tô Na) cũng đón hàng trăm lượt khách tham quan mỗi ngày trong kỳ nghỉ lễ. Chị Nguyễn Thị Thảo (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) chia sẻ: “Với khung cảnh thơ mộng giữa một bên là núi non hùng vĩ, dòng sông Ba xanh mát và một bên là vườn hoa đua nhau khoe sắc, đây là lựa chọn lý tưởng của nhiều người dân và du khách khi muốn có những chuyến picnic ngoài trời. Riêng tôi và 2 người bạn thân đã có rất nhiều tấm ảnh đẹp cùng nhau tại đây”.
Trong không khí của kỳ nghỉ mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn để du khách thập phương khám phá, tìm hiểu. Ảnh: Trần Dung
Trong không khí của kỳ nghỉ mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, nhiều gia đình đã lựa chọn ở lại Gia Lai để khám phá chính quê hương mình. Chị Cao Thị Lan (thôn Đoàn Kết, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cho biết: “Được nghỉ dài ngày nên cả đại gia đình tôi quyết định khám phá các điểm đến trong tỉnh. Từ Công viên Diên Hồng đến Quảng trường Đại Đoàn Kết, rồi ghé qua Bảo tàng tỉnh... mỗi nơi đều mang một nét đặc trưng riêng. Cùng với đó, tôi và gia đình đã cùng nhau thưởng thức hương vị ẩm thực đậm bản sắc Tây Nguyên như: cơm lam, gà nướng, lá rừng cuộn gỏi…”.
Dịp này, nhiều gia đình cũng tranh thủ đưa các con đi vui chơi, thư giãn sau những ngày học tập căng thẳng. Chị Myin (làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) đã biến kỳ nghỉ lễ thành hành trình “đổi không gian sống” cho con. “Vì công việc bận rộn nên tôi không thể thường xuyên đưa các con đi chơi hay thưởng thức những món ăn yêu thích. Hôm nay, tôi đưa các con ra siêu thị, công viên… những chỗ mà các con có thể tự do chạy nhảy, vui chơi thỏa thích và khám phá thế giới xung quanh”-chị Myin cho hay.
Chị Myin (làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cùng con trai đến quán Trà sữa Nọng (xã Biển Hồ) để vui chơi cùng bạn bè. Ảnh: Đồng Lai
Để tạo ra một nơi cho trẻ em được vui chơi an toàn, người lớn được nghỉ ngơi thư giãn, rất nhiều nơi tại Gia Lai đã thiết kế quán như một “sân chơi thu nhỏ”. Anh Lại Bằng Giang (chủ quán Trà sữa Nọng, xã Biển Hồ) thông tin: “Dịp lễ này, quán được trang hoàng thêm với cờ đỏ sao vàng, đèn lồng, một vài món ăn mới cũng được thêm vào thực đơn. Dù lượng khách tăng gấp ba lần ngày thường nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên giá vì muốn mọi người đều có thể tận hưởng không khí lễ hội một cách trọn vẹn”.
Bên cạnh đó, những quán cà phê có không gian “chill” cũng thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in và tận hưởng kỳ nghỉ lễ trước khi quay trở lại với nhịp sống học tập và làm việc. Bạn Nguyễn Thị Như Ý (phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: “Vài hôm trước, mình ghé các quán cà phê chủ yếu để chụp hình. Còn hôm nay, mình đến đây để cảm nhận không khí lễ hội, gặp gỡ bạn bè, trò chuyện và lấy lại năng lượng”.
Tại công viên Diên Hồng, đồi thông xã Ia Dêr, hàng thông trăm tuổi… không khí khá nhộn nhịp nhưng không quá chen chúc. Nhiều gia đình mang theo chiếu, đồ ăn nhẹ để tổ chức picnic; trẻ nhỏ nô đùa quanh khu vực sân chơi, trong khi người lớn đi bộ, trò chuyện, chụp hình lưu niệm. Không gian xanh mát, thoáng đãng cùng thời tiết dễ chịu khiến nơi đây trở thành lựa chọn phù hợp cho các hoạt động thư giãn ngoài trời.
Với anh Ngô Trường Duy (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), đây là dịp để tạm gác công việc, tránh xa thiết bị công nghệ và kết nối nhiều hơn với người thân. “Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, cả gia đình cùng nhau chuẩn bị bữa cơm tại nhà. Đến hôm nay, tôi cùng gia đình đi dạo quanh các điểm trong thành phố và mang theo một ít đồ ăn để vừa ăn vừa ngắm cảnh, tận hưởng không khí trong lành, xanh mát”-anh Duy nói.
NHÓM P.V