Theo Ban Quản lý dự án Giao thông và Dân dụng tỉnh Gia Lai, đến nay, các đơn vị chức năng đo ranh giới 60m, số hóa hồ sơ và chuyển giao cho các địa phương. Chính sách bồi thường được thống nhất áp dụng theo phương án của tỉnh Bình Định cũ với 7 khu tái định cư đã được lựa chọn.
Mô phỏng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Ảnh: GL
Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, dự án thành phần 3 cơ bản đã có hướng tuyến chính xác. Để đảm bảo tiến độ chung, dự kiến khởi công nhanh nhất có thể tại các đoạn tuyến thuận lợi đã bàn giao mặt bằng.
Về ảnh hưởng của dự án, theo kết quả báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt, số hộ dân bị ảnh hưởng, cần thực hiện tái định cư là 221 hộ, diện tích đất khoảng 295 ha.
Nhu cầu vật liệu thi công gồm 21 triệu m³ đất đắp, 2,5 triệu m³ cát và 2,8 triệu m³ đá. Các mỏ khoáng sản tại địa phương đã được khảo sát, cơ bản đáp ứng nhu cầu dự án.
Tại hội nghị, lãnh đạo các xã, phường có tuyến cao tốc đi qua như Lơ Pang, Mang Yang, Đăk Pơ… kiến nghị tỉnh và các ban ngành hỗ trợ trong công tác cắm mốc, định giá đất và thành lập các hội đồng bồi thường. Nhiều địa phương cho biết còn gặp khó khăn về nhân lực, thiết bị và quy trình thực hiện.
Toàn cảnh hội nghị kiểm tra tình hình triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai cũ. Ảnh: V.Y
Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku rất quan trọng và được nhân dân Gia Lai mong mỏi nhiều năm.
UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia, yêu cầu các địa phương sớm thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ động ban hành đơn giá đền bù, tránh phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị tư vấn.
"Quá trình đền bù phải hài hòa giữa lợi ích người dân và quy định pháp luật, đồng thời xem xét hỗ trợ người dân thu hoạch nông sản, ưu tiên thi công trước những khu vực đã sẵn sàng", ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh phấn đấu mục tiêu khởi công từ tháng 10/2025 và hoàn thành trong giai đoạn 2025-2029.
Dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku dài 125km, tổng mức đầu tư 43.743 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h, đi qua địa bàn hai tỉnh Bình Định và Gia Lai cũ. Trong đó, đoạn qua Gia Lai cũ có chiều dài lớn và ảnh hưởng khoảng 295 ha đất, liên quan 221 hộ dân phải bố trí tái định cư.
Tạ Vĩnh Yên