Dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tổng chiều dài khoảng 125 km, bắt đầu từ Quốc lộ 19B, điểm đầu là thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và kết thúc tại đường Hồ Chí Minh ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Trong đó, đoạn qua Bình Định dài khoảng 40 km, còn đoạn qua Gia Lai dài 85 km. Tuyến cao tốc được thiết kế với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24 m, vận tốc tối đa 100 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 43.500 tỷ đồng; dự kiến khởi công vào năm nay, hoàn thành vào năm 2029.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội và giao thông liên vùng. “Kỳ họp vừa rồi nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình phương án xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, là người dân chúng tôi rất kỳ vọng vào dự án này. Thứ nhất đó là đầu mối giao thông kết nối giao thông giữa các vùng kinh tế, giữa vùng rừng núi và biển, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương phát triển. Thứ hai là tạo thuận lợi cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn. Thứ ba là trong giai đoạn này để sắp xếp các đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì thuận tiện cho cán bộ công chức, viên chức ở tỉnh xuống công tác làm việc ở Quy Nhơn”, ông Nguyễn Thế Hùng, trú phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai kỳ vọng.
Dự kiến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ có các công trình hầm qua đèo An Khê và Mang Yang
Hiện nay, Quốc lộ 19 - tuyến giao thông chính nối 2 thành phố Pleiku và Quy Nhơn, mặc dù đã được nâng cấp và mở rộng, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, đặc biệt ở các đoạn qua đèo An Khê và đèo Mang Yang. Thời gian di chuyển từ Pleiku xuống Quy Nhơn thường kéo dài từ 3,5 đến 4 tiếng. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô tỉnh Gia Lai cho biết rằng, điều này làm tăng chi phí vận chuyển và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, đặc biệt là nông sản.
“Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhân dân trên này rất kỳ vọng vào con đường cao tốc, giúp rút ngắn thời gian đi lại, tạo đà vận chuyển hàng hóa có lợi nhuận, rút ngắn thời gian, thúc đẩy cho phát triển của địa bàn Gia Lai. Xe vận tải hành khách, vận tải hàng hóa riêng biệt làn đường, vừa nhanh vừa an toàn. Tôi kỳ vọng an toàn giao thông sẽ giảm cả 3 tiêu chí, không còn tai nạn giao thông nữa”, ông Nguyễn Hồng hải cho biết.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của dự án này, ông Ral Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku không chỉ là một công trình giao thông mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, kết nối vùng Tây Nguyên với khu vực Duyên hải Trung Bộ. Theo ông Rah Lan Chung, tuyến cao tốc này còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các cửa khẩu quốc tế, khu đô thị, cảng biển lớn và khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
“Hiện tỉnh Gia Lai đang triển khai các bước để thực hiện chủ trương về xây dựng cao tốc Pleiku - Quy Nhơn. Đây là một trong những dự án lớn mang tính chất đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển trên địa bàn tỉnh. Gia Lai đã thành lập Ban chỉ đạo chung để tiếp nhận thông tin và giải quyết những khâu vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo lộ trình, trước tháng 8/2025 sẽ khởi công”.
Ông Ral Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển trên địa bàn tỉnh
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực và tăng cường liên kết vùng. Người dân Gia Lai, các doanh nghiệp vận tải, và chính quyền địa phương đều bày tỏ mong muốn Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư để dự án có thể triển khai đúng tiến độ, đáp ứng kỳ vọng phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Hoàng Qui/VOV- Tây Nguyên