Tăng số người đến tiêm phòng vắc xin dại
Theo ghi nhận của phóng viên, số lượng người đến tiêm phòng vắc xin dại tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn TP. Pleiku có chiều hướng gia tăng từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân- Trưởng phòng tiêm vắc xin 89 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku thông tin: Từ đầu năm 2025 đến nay, phòng tiêm đã tiêm vắc xin phòng dại cho trên 250 lượt người. Trước tình hình ghi nhận nhiều ca tử vong do bệnh dại nên người dân cũng lo sợ và nâng cao nhận thức trong phòng- chống bệnh, vì vậy khi bị chó mèo cào cắn họ nhanh chóng đến các cơ sở y tế để tiêm phòng.
Người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Hệ thống tiêm chủng Á Châu. Ảnh: Như Nguyện
“Tuy nhiên cũng còn nhiều người chủ quan trong phòng-chống bệnh dại, khi bị chó mèo cào cắn không tiêm phòng ngay. Mới đây, có một người dân điện thoại nhờ tôi tư vấn, họ báo bị chó cắn hôm mùng 1 Tết, đến hôm mùng 4 Tết thì con chó chết. Tuy nhiên mãi đến ngày 15-2 (sau 17 ngày bị chó cắn và sau 14 ngày con chó cắn người bị chết) thì họ mới nghĩ đến việc tiêm phòng. Việc này cho thấy nhiều người vẫn còn chủ quan với bệnh dại”- bác sĩ Xuân cho hay.
Theo ông Đào Ngọc Quân- Quản lý Hệ thống tiêm chủng Á Châu (236 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) thì dù chưa vào cao điểm của bệnh dại nhưng số người đến tiêm vắc xin phòng dại đã có chiều hướng gia tăng. “Chỉ sau Tết Nguyên đán đến nay, Hệ thống tiêm chủng Á Châu (2 cơ sở gồm: 1 cơ sở tại TP. Pleiku và 1 tại 244A Lê Lợi, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) đã tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho trên 100 lượt người, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân phần nhiều là do ngày Tết, nhiều người đốt pháo khiến cho chó hoảng sợ chạy loạn và cắn người. Dự lường thời gian tới, số lượng tiêm vắc xin phòng dại sẽ có thể gia tăng vì từ tháng 3 trở đi, khi thời tiết nóng lên sẽ vào mùa cao điểm của bệnh dại”- ông Quân nhấn mạnh.
Khi bị chó, mèo cào cắn, người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và thực hiện tiêm vắc xin để phòng bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Bệnh dại không có thuốc điều trị, khi phát bệnh 100% tử vong. “Bên cạnh nhiều người dân có ý thức cao trong phòng-chống bệnh thì vẫn còn nhiều người e ngại sau tiêm vắc xin dại, trẻ sẽ bị chậm phát triển, kém thông minh.... Đây là quan điểm sai lầm vì vắc xin dại cũng như các loại vắc xin khác, không hề ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Việc tiêm vắc xin dại là biện pháp phòng bệnh tốt nhất và tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị chó, mèo nghi dại cào cắn để tránh những cái chết thương tâm vì bệnh dại”- ông Quân chia sẻ.
Nhiều khó khăn trong phòng-chống bệnh dại
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh hiện nay trên 217 ngàn con, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin trên tổng đàn chó, mèo của địa phương vẫn còn thấp, mới đạt khoảng hơn 20% trong khi yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đạt tối thiểu 80% tổng đàn trên địa bàn. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại có hay chăng ổ dịch chó dại đã và đang tồn tại trong cộng đồng và đây cũng chính là nguyên nhân Gia Lai liên tiếp ghi nhận các ca tử vong do bệnh dại từ năm 2023 đến nay với 26 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, qua kiểm tra thực tế tại các địa phương cho thấy công tác phòng- chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh hiện còn rất nhiều tồn tại như: Nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh Dại, cách phòng- chống bệnh Dại cả trên người và vật nuôi còn rất hạn chế; công tác thông tin, tuyên truyền chưa được triển khai thường xuyên, liên tục, thiếu hiệu quả, chưa thực hiện truyền thông học đường theo chỉ đạo của UBND tỉnh; việc quản lý chó, mèo tại các địa phương còn rất lỏng lẻo; chưa kê khai hoạt động chăn nuôi, chưa lập sổ quản lý chó, mèo hoặc triển khai nhưng tỷ lệ đạt rất thấp; chưa cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Nhiều gia đình nuôi chó thả rông, không rọ mõm, không tiêm phòng dại cho chó làm gia tăng nguy cơ bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện
Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí cho công tác phòng- chống bệnh Dại tại các huyện, thị xã, thành phố còn rất hạn chế, có địa phương nhiều năm liền không bố trí kinh phí thực hiện, trong khi đó việc xã hội hóa hoạt động tiêm phòng không được quan tâm đúng mức, hiệu quả không cao dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo của tỉnh còn rất thấp.
Ông Puih- làng Brông Thông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa cho biết: Trong làng mình có nhiều người nuôi chó, mèo và gia đình mình cũng có nuôi nhưng hầu hết đều thả rông và không có tiêm phòng dại cho chó, mèo. Hiện nay, bệnh dại rất nguy hiểm mình sẽ tiêm phòng cho vật nuôi và sẽ chủ động đi tiêm vắc xin nếu chẳng may bị chó mèo cắn.
Trước tình hình bệnh dại gia tăng, UBND tỉnh mới đây đã có công văn chỉ đạo triển khai nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp phòng- chống bệnh Dại. trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai và các địa phương cần đẩy nhanh tiêm phòng vắc xin dại và quản lý đàn chó; không có bệnh dại trên động vật sẽ không có bệnh dại trên người. Bên cạnh đó, các cấp, ngành tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng- chống bệnh dại.
Người dân cần tiêm phòng vắc xin dại và quản lý đàn chó; không có bệnh dại trên động vật sẽ không có bệnh dại trên người. Ảnh: Như Nguyện
Ông Nguyễn Văn Đồng- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Đối với ngành Y tế, ngành sẽ tập trung tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng- chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã, phường thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại”, “không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương”, “không nuôi chó thả rông”, “không để chó cắn người”, “không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”. Đồng thời, tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm và những người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
NHƯ NGUYỆN