Gia Lai mới: Từ hợp nhất không gian đến hợp lực phát triển

Gia Lai mới: Từ hợp nhất không gian đến hợp lực phát triển
9 giờ trướcBài gốc
Hợp nhất hành chính, đổi mới tư duy quản trị
“Chúng ta đang bước vào một chặng đường mới, nơi cao nguyên và duyên hải hòa quyện trong một không gian phát triển thống nhất, gắn kết bởi trục dọc Bắc - Nam và trục ngang Đông - Tây, hình thành ‘trục xương sống’ và ‘trục chia lửa’ cho tăng trưởng kinh tế”. Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn không chỉ là tuyên ngôn hành động mà còn là lời kêu gọi về một hành trình phát triển mới, có tầm vóc và chiều sâu.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng (thứ 5 từ phải qua) và Chủ tịch HĐND Rah Lan Chung (thứ 4 từ trái sang) chúc mừng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau sáp nhập, Gia Lai trở thành một trong những tỉnh có diện tích và dân số lớn nhất cả nước, với quy mô nền kinh tế hơn 255.000 tỷ đồng, xếp thứ 18/34 tỉnh, thành. Không chỉ sở hữu 21.576 km² diện tích (thứ hai toàn quốc), tỉnh còn có lợi thế đặc biệt với 134 km bờ biển, hai sân bay, hệ thống cảng biển, đường sắt và mạng lưới đường bộ liên kết vùng.
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn hình tượng hóa sự hợp nhất này như một sự “giao thoa” giữa một Bình Định thần tốc, đổi mới, sáng tạo bắt tay với một Gia Lai kiên trung, đậm bản sắc Tây Nguyên. Hai vùng đất, hai tinh thần cùng tạo nên một Gia Lai mới rộng mở hơn về không gian, mạnh mẽ hơn về ý chí, sâu sắc hơn về bản sắc và triển vọng phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh tinh thần điều hành với 5 giá trị cốt lõi: “kiến tạo – liêm chính – hành động – trách nhiệm – hiệu quả”, trong đó đề cao vai trò nêu gương, kỷ cương, trọng tâm và bứt phá.
Trọng tâm chính sách là triển khai hiệu quả “bộ tứ trụ cột” gồm: đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế trong tình hình mới; xây dựng và thi hành pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân.
Các ủy viên UBND tỉnh Gia Lai, nhiệm kỳ 2021-2026.
Song song đó, tỉnh đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm, rà soát hệ thống chính sách, phân cấp, phân quyền hiệu quả, chuyển đổi từ mô hình “hành chính hóa” sang “phục vụ nhân dân” thực chất và linh hoạt.
Đặc biệt, tỉnh xác định rõ sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là bài toán tổ chức, mà là thách thức về tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, người dân. Ông Tuấn nhấn mạnh: "Giai đoạn này đòi hỏi tinh thần gương mẫu, trách nhiệm cao từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời cần làm tốt công tác tư tưởng, tạo đồng thuận xã hội".
5 trụ cột, 3 đột phá chiến lược cho Gia Lai cất cánh
Khát vọng vươn lên của Gia Lai được đặt nền trên 5 trụ cột phát triển. Trong đó công nghiệp chế biến – chế tạo trở thành ngành mũi nhọn, tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu, hạ tầng QL19 và khu kinh tế ven biển.
Ông Phạm Anh Tuấn kiểm tra tình hình triển khai các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Năng lượng tái tạo – công nghiệp xanh: hình thành trung tâm năng lượng sạch, chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp bán dẫn và AI. Du lịch: đưa du lịch biển, núi rừng, di sản Tây Nguyên, văn hóa Chămpa thành ngành kinh tế chủ lực, phát triển du lịch cộng đồng và chuỗi du lịch Đông – Tây.
Nông nghiệp công nghệ cao – lâm nghiệp bền vững: tập trung các vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu, dược liệu, thủy sản công nghệ cao… tạo các “cứ điểm nông – công nghiệp”. Dịch vụ logistics – đô thị hiện đại: phát triển trung tâm logistics, cảng biển, sân bay, đô thị hóa bền vững, bất động sản công nghiệp và du lịch.
Ba đột phá chiến lược được xác định rõ, gồm: thể chế – tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, chính quyền số, môi trường pháp lý thông thoáng. Nguồn nhân lực chất lượng cao: đào tạo phục vụ chuyển đổi số, nông nghiệp – công nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng lực đội ngũ công chức. Hạ tầng chiến lược: tập trung vào cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, QL19, QL25, hệ thống thủy lợi, logistics, hạ tầng số, sân bay, cảng biển.
Vượt lên trên các chỉ số và mô hình phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhiều lần nhấn mạnh đến yếu tố con người với tinh thần đoàn kết, niềm tin, khát vọng và trách nhiệm.
Gia Lai mới với đặc điểm địa bàn rộng, đa dạng dân cư càng phải giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển bền vững. Đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.
Trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Anh Tuấn tiếp và làm việc với Tập đoàn Công nghệ SOS (Úc) về hợp tác trong lĩnh vực du lịch, bất động sản và công nghệ xây dựng.
“Chúng ta có đầy đủ cơ sở để xây dựng tỉnh Gia Lai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm kinh tế – công nghiệp – nông nghiệp – du lịch quan trọng của khu vực”, ông Tuấn khẳng định.
Bằng quyết tâm chính trị, tầm nhìn chiến lược, hành động quyết liệt và khối đoàn kết xã hội, Gia Lai đang viết tiếp hành trình vươn mình, khẳng định vị thế là cực tăng trưởng năng động, điểm đến đầu tư hấp dẫn, một biểu tượng mới về sự hội tụ và phát triển.
Từ cao nguyên gặp gỡ biển khơi, một Gia Lai mới đang hình thành không chỉ trên bản đồ hành chính, mà trong ý chí, trong tinh thần thời đại và trong khát vọng vươn cao của cả một vùng đất giàu tiềm năng và bản sắc.
Kim Cương
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/gia-lai-moi-tu-hop-nhat-khong-gian-den-hop-luc-phat-trien/20250703051627309