Nhiều ca sởi biến chứng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dù số ca sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có xu hướng giảm trong vài tuần gần đây, song tình hình bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo báo cáo của ngành Y tế tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 2.500 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 217 ca sởi xét nghiệm khẳng định; có 1 trường hợp nghi sởi biến chứng nặng tử vong. Các ca bệnh tập trung chủ yếu tại các huyện Chư Sê, Krông Pa, Đak Đoa…
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi mắc sởi biến chứng viêm phổi. Ảnh: Như Nguyện
Số ca mắc sởi, nghi sởi biến chứng nghiêm trọng tập trung ở trẻ chưa tiêm vắc xin. Trong tổng số ca bệnh, trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm dễ tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ chưa tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ. Một điểm đáng lưu ý là 13% ca mắc sởi là trẻ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng-những em bé này không được bảo vệ nếu miễn dịch cộng đồng suy giảm. Tỷ lệ ca bệnh sởi, nghi sởi chưa tiêm vắc xin chiếm tới 40%, trong khi những trẻ đã tiêm đủ 2 mũi chỉ chiếm 20%.
Tại Bệnh viện Nhi Gia Lai, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thu dung điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhi nhập viện do bệnh sởi hoặc nghi mắc sởi, trong đó có gần 500 ca biến chứng, hơn 100 trường hợp biến chứng nặng (rơi vào trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ) phải thở máy hoặc sử dụng CPAP hỗ trợ hô hấp.
Chị Trần Thị Bích Ngọc (tổ 6, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Con tôi chưa tiêm vắc xin sởi, khi phát bệnh thì biến chứng nặng sang viêm phổi, phải nhập viện và thở CPAP nhiều ngày. Ở khu tôi sống, nhiều trẻ cũng mắc bệnh tương tự”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mới-Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) cho biết: “Dù số ca mắc ngoài cộng đồng có giảm, nhưng số ca nhập viện điều trị nội trú vẫn rất cao. Khoa hiện đang điều trị cho khoảng 100 bệnh nhi, trong đó khoảng 10% có biến chứng viêm phổi, một số trường hợp nặng phải chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực để điều trị”.
Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng thở máy. Ảnh: Như Nguyện
Đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi
Từ thực tiễn điều trị, bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) cảnh báo: “Hầu hết các ca bệnh sởi biến chứng nặng rơi vào trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ. Thống kê cho thấy cứ 100 ca sởi thì có khoảng 10 ca có biến chứng và khoảng 2% trong số này sẽ chuyển biến nặng, nguy kịch”.
Chăm sóc con điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc hơn nửa tháng qua, chị Dõi (làng Sâm, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị kể: Con út tôi 12 tháng tuổi mắc sởi biến chứng viêm phổi nặng, đang thở máy. Trong lúc con út nằm viện thì anh trai cháu 3 tuổi cũng bị sốt phát ban, trên đường đưa lên viện cấp cứu thì cháu mất. Gia đình tôi quá đau buồn và lo sợ vì hiện nay bé út vẫn đang trong tình trạng nặng nằm ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Số ca mắc sởi, nghi sởi nhập viện điều trị chỉ là phần nổi và thực tế có rất nhiều ca bệnh nhẹ theo dõi, điều trị tại nhà, nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không phát hiện sớm trở thành nguồn lây bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng. Trong khi đó, sởi là căn bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh. Một người mắc sởi có thể lây bệnh cho từ 12 đến 18 người khác. Vì vậy, việc vận động tuyên truyền người dân đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi là việc cấp bách hiện nay nhất là trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi.
Trẻ được tiêm chủng đầy đủ góp phần phòng-chống bệnh hiệu quả. Ảnh: Như Nguyện
Tuy nhiên hiện nay, một bộ phận người dân cổ súy cho trào lưu “Anti vắc xin”, từ chối đưa trẻ đi tiêm chủng khiến các em mất đi cơ hội tạo lá chắn miễn dịch trước dịch bệnh. Điều này cũng khiến cho tỷ lệ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi năm 2025 chưa đạt theo yêu cầu đề ra đối với độ tuổi từ 6 tháng đến 9 tháng tuổi được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, tính đến ngày 8-4, toàn tỉnh có 6.336 trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng được tiêm vắc xin sởi, đạt tỷ lệ 89,4% (yêu cầu đạt từ 95% trở lên) và có 24.143 trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi được tiêm vắc xin sởi, đạt tỷ lệ 97,22%.
Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang nhấn mạnh: Trẻ cần được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và sau đó nếu có điều kiện thì cho trẻ tiêm chủng thêm các loại vắc xin dịch vụ khác để tạo lá chắn miễn dịch, phòng-chống bệnh cho trẻ. Hiện nay, tình hình bệnh sởi vẫn đang diễn biến phức tạp và những trẻ chưa được tiêm chủng vẫn đang đối diện với nguy cơ tổn thương nghiêm trọng mỗi ngày. Bài học từ các ca sởi, nghi sởi biến chứng nặng thậm chí tử vong là hồi chuông cảnh báo cho người dân và cộng đồng không thể chủ quan với bệnh sởi.
NHƯ NGUYỆN