Gia Lai: Phá bỏ Biển Hồ chè thơ mộng để trồng cà phê

Gia Lai: Phá bỏ Biển Hồ chè thơ mộng để trồng cà phê
3 ngày trướcBài gốc
“Phá trắng” 230 ha chè
Nằm bên ngọn núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) và dưới tán thông trăm tuổi là bạt ngàn những đồi chè Biển Hồ. Đồng chè Biển Hồ là một trong nông trường lâu đời nhất tỉnh Gia Lai. Những cây chè đầu tiên tại đây được người Pháp trồng bằng phương pháp gieo hạt từ năm 1921, đây cũng là đồn điền chè do người Pháp quản lý.
Sau giải phóng, đồn điền chè này được chuyển giao cho Liên hiệp các Xí nghiệp công-nông Chè Việt Nam quản lý và trải qua nhiều lần đổi tên thành Nông trường Chè Biển Hồ, Công ty Chè Biển Hồ, Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ… Đến năm 2018, thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ.
Đồi chè tuyệt đẹp ở xã Nghĩa Hưng
Theo đó Biển Hồ chè nằm ở xã Nghĩa Hưng, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 10km. Nơi đây sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng bầu không khí vô cùng trong lành, mát mẻ. Cũng vì vậy, từ lâu Biển Hồ chè là một trong những điểm du lịch nổi tiếng được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, mới đây Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ đã cho hàng loạt máy móc, nhân công “phá trắng” nhiều diện tích chè Biển Hồ. Đồi chè nhiều năm tuổi xanh mơn mởn trong phút chốc bị phá bỏ gần hết, chỉ còn trơ lại màu đất đỏ bazan khô khốc. Trên những thửa đất trống này đã được đào thành từng hố nhỏ để trồng cà phê.
Nhiều diện tích chè đã bị phá hết để trồng cà phê
Ông Phạm Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng thông tin: “Sự việc xảy ra trước đó khoảng 2 tháng, công ty làm rất nhanh cả ngày lẫn đêm. Về góc độ địa phương không đồng tình với việc Công ty Chè Biển Hồ tự ý phá bỏ đồi chè, chuyển sang trồng cà phê. Bởi lẽ đồi chè không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, mà còn là có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và du lịch địa phương. Việc công ty tự ý phá bỏ đồi chè này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút du lịch ở địa phương, địa danh Biển Hồ chè”.
Liên quan đến việc Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ phá bỏ vườn cây chè để chuyển sang trồng cây cà phê tại xã Nghĩa Hưng, trước đó Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai (hiện là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã kiểm tra thực tế và làm việc với công ty này. Qua kiểm tra cho thấy việc Công ty Cổ phẩn chè Biền Hồ tự phá bỏ vườn chè sang để trồng cây cà phê trong khi chưa có chủ trương của UBND tỉnh cho phép là trái với phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa và trái với khoản 5 Điều 74 của Luật Trồng Trọt.
Đồi chè trước thời điểm bị phá
Trước tình hình trên, ông Đoàn Ngọc Có - Phó giám đốc Sở NN&PTNT đã ký văn bản đề nghị Công ty cổ phần chè Biển Hồ, dừng các hoạt động phá bỏ vườn cây chè tại xã Nghĩa Hưng, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời đề nghị UBND huyện Chư Păh và UBND xã Nghĩa Hưng kiểm tra, giám sát, ngăn chặn việc việc công ty tự ý chuyển đổi cây trồng trái quy định của pháp luật.
Ngay sau đó, Công ty Cổ phần chè Biển Hồ đã có văn bản phúc đáp gửi Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai. Công ty này cho rằng, việc chuyển đổi cây trồng đúng với phương án sử dụng đất, sử dụng lao động, phương án cổ phần hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt. Vậy cơ sở nào? Quy định nào? mà Sở NN&PTNT nói Công ty tự ý chuyển đổi cây trồng là trái quy định pháp luật?.
Sở NN&PTNT cho rằng công ty tự ý chuyển đổi cây trồng là trái quy định pháp luật, trong khi công ty khẳng định đúng
Công ty Cổ phần chè Biển Hồ khẳng định: “Việc chuyển đổi cây trồng từ chè sang cà phê là không trái quy định vì cây cà phê cũng là cây trồng chủ lực của địa phương và được phép chuyển đổi. Việc Sở NN&PTNT có văn vản đề nghị Công ty tạm dừng và chỉ đạo cơ quan chức năng ngăn chặn hoạt động phá bỏ vườn chè đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động nhận khoán và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty chúng tôi”.
Giữ lại 60 ha chè để phục vụ du lịch
Ông Nguyễn Công Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Chè Biển Hồ cho biết: “Lý do công ty chuyển đổi cây chè sang trồng cà phê là do sản phẩm chè hiện nay không bán được, còn việc giữ lại cây chè chỉ để chụp hình thôi. Khi làm, công ty vẫn giữ lại nơi có vùng sinh cảnh đẹp cho tỉnh nhà phát triển du lịch, chứ không phá hết. Công nhân của công ty vẫn giữ, không bỏ ai”.
Lý do công ty chuyển đổi cây chè sang trồng cà phê là do sản phẩm chè hiện nay không bán được
Liên quan đến việc Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ chuyển đổi một phần diện tích cây chè sang trồng cây cà phê, ông Dương Mah Tiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có ý kiến cho rằng, phương án cổ phần hóa và phương án sử dụng đất của Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2018.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ những năm gần đây thua lỗ do sản phẩm chè của Công ty đang đối mặt với khó khăn không xuất khẩu được, khó tiêu thụ trong nước. Vì vậy, Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ có nhu cầu chuyển đổi cây chè sang trồng cây cà phê nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng lợi nhuận cho Công ty và thu nhập của người lao động.
Vẫn giữ lại 60ha chè gắn với cảnh quan du lịch Hàng thông trăm tuổi, Chùa Bửu Minh, hồ Ya Lũ để phục vụ du lịch
Do đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; UBND huyện Chư Păh căn cứ các quy định pháp luật hiện hành có liên quan để hướng dẫn Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ hoàn thiện hồ sơ đề nghị điều chỉnh phương án sử dụng đất theo hướng chuyển đổi một phần diện tích cây chè sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây cà phê đảm bảo đúng quy định. Trừ các diện tích chè gắn với cảnh quan du lịch Hàng thông trăm tuổi, Chùa Bửu Minh, hồ Ya Lũ và gửi hồ sơ đề xuất về UBND tỉnh trước ngày 4/4.
Được biết, đến thời điểm hiện tại Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ đã chuyển đổi, phá bỏ 230 ha chè sang trồng cà phê, còn giữ lại khoảng 60 ha chè ở khu vực hàng thông trăm tuổi để phục vụ du lịch của địa phương.
Bài và ảnh: Trần Hiền
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/gia-lai-pha-bo-bien-ho-che-tho-mong-de-trong-ca-phe-post340544.html